Nga, Mỹ đàm phàn ôn hòa nhưng vẫn căng thẳng về việc mở rộng NATO
January 11, 2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và nguyên thủ Mỹ Joe Biden gặp mặt trực tiếp tại Geneve, Thụy Sĩ, ngày 16/6/2021. AP – Peter Klaunzer,–
Báo chí Pháp hôm nay quan tâm đến kết quả của cuộc gặp Mỹ – Nga tại Geneve liên quan đến tình hình tại Ukraina và an ninh chung châu Âu. Một chủ đề khác cũng chiếm nhiều trang báo là biến thể Omicron làm rạn nứt chiến lược ứng phó với dịch của nhiều quốc gia từ châu Âu đến châu Á.
Cuộc thảo luận giữa các quan chức cấp cao Nga – Mỹ diễn ra vào hôm qua 10/01/2022 tại Geneve, Thụy Sĩ, với chủ đề được các nhà phân tích đặc biệt chú ý là liệu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) có kết nạp Ukraina vào khối hay không. Đây là một lằn ranh đỏ trong lĩnh vực an ninh đối với Nga. Báo Les Echos chạy tựa « Washington và Matxcơva ở hai thái cực về vấn đề Ukraina » với nhận định rằng, Nga có vẻ hài lòng về việc phái đoàn Mỹ đối thoại một cách « nghiêm túc ». Tuy nhiên sau 8 tiếng đàm phán, Mỹ kêu gọi Nga phải có những hành động xuống thang để cuộc thảo luận có thể tiến triển. Chủ đề then chốt trong mâu thuẫn giữa 2 siêu cường vẫn là việc mở rộng NATO với ý định kết nạp Ukraina và Gruzia. Nga không muốn có sự hiện diện của NATO ở sát sườn. Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Riabkov không ngần ngại nhấn mạnh rằng « đã đến lúc NATO phải trở lại với biên giới năm 1997 », tức là trước khi khối này kết nạp Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Séc, Slovakia, Bulgari, Rumani và 3 nước vùng Baltic.
Về chủ đề này, báo Công Giáo La Croix có bài viết « NATO và Ukraina xích lại gần nhau », nói về việc Mỹ, từ tháng 4 năm 2008, đã có ý định để Ukraina tham gia « Kế hoạch hành động để gia nhập Liên Minh » (gọi tắt là MAP), trong khi Đức và Pháp đã phản đối vì lo ngại điều đó sẽ chẳng khác gì như một hành động khiêu khích nhắm vào Nga.
Châu Âu có tiếng nói trong đàm phán Nga – Mỹ không ?
Nhân việc Nga – Mỹ bàn về cấu trúc an ninh tại châu Âu, xã luận báo Le Monde nhấn mạnh đến vai trò của các nước châu Âu. Việc Nga « điều quân ồ ạt » đến sát biên giới với Ukraina được xem là cách buộc phương Tây phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Bản thân việc Matxcơva muốn thảo luận về một cấu trúc an ninh mới ở châu Âu không phải là điều vô lý, sau khi Liên Xô tan rã và Hiệp ước Vac-xa-va bị giải tán cùng với sự mở rộng của khối NATO và EU. Riêng về phần mình, các nước châu Âu có quyền yêu cầu một vị trí trên bàn đàm phán, nhất là khi cuộc đàm phán này có liên quan đến an ninh của chính mình. Nhưng để làm được điều này, họ sẽ phải đoàn kết hơn, đặc biệt là trong khối Liên Hiệp Châu Âu (EU), và đưa ra các đề xuất của riêng mình, với sự tham vấn của Hoa Kỳ nhằm giành lại thế chủ động trước Matxcơva : đó là những điều kiện cần thiết để tuần đàm phán căng thẳng này không biến thành thảm họa.
Nguồn: RFI/Chi Phương, Phan Minh