Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 21, 2024

Công nghệ và quỹ đầu tư Mỹ trợ lực cho hệ thống vũ khí Trung Quốc


Một chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc biểu diễn tại Airshow China 2018 (Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc năm 2018) ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào ngày 06/11/2018. (Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images)–

Trung Quốc đã có thể tăng tốc các năng lực công nghệ của quân đội họ, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), bằng cách đánh cắp công nghệ (vũ khí) của Hoa Kỳ, tiếp cận các thị trường vốn của Hoa Kỳ, và thu hút các nhà đầu tư Mỹ.

Cộng đồng quốc phòng Mỹ đã rất lo ngại về vụ thử các hỏa tiễn siêu thanh gần đây của PLA. Những vũ khí công nghệ tân tiến này có các năng lực khiến việc phòng thủ chống lại chúng trở nên vô cùng khó khăn. Chúng cũng đắt tiền, hơn 105 triệu USD cho mỗi hỏa tiễn. Kho vũ khí công nghệ cao của Bắc Kinh — chẳng hạn như các vệ tinh, súng bắn từ trường, vũ khí nguyên tử và vũ khí siêu thanh — rất đắt đỏ, đây là lý do vì sao 41% trong ngân sách quốc phòng trị giá 252 tỷ USD của Trung Quốc được chi cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D).

Việc đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ đã giúp trang trải cho một phần phí tổn R&D của PLA. Và một số công nghệ được mua từ các nhà phát triển Mỹ, sử dụng vốn từ các nhà đầu tư Mỹ. Ví dụ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc (CARDC), một cơ sở thử nghiệm siêu thanh, hoạt động dựa trên một siêu máy điện toán sử dụng công nghệ vi mạch bán dẫn của Mỹ.

Bằng cách niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ và thâm nhập vào thị trường vốn của Hoa Kỳ, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được hưởng lợi từ nguồn tài chính dồi dào của các nhà đầu tư Mỹ để tài trợ cho các dự án phát triển của mình. Hiện tại, có 248 công ty Trung Quốc được niêm yết trên ba sàn giao dịch lớn nhất Hoa Kỳ, với tổng giá trị thị trường là 2.1 ngàn tỷ USD. Tám trong số các công ty đó là các doanh nghiệp quốc doanh. Một tỷ lệ lớn hơn nhiều trong số đó có [vốn] sở hữu nhà nước lớn hoặc thuộc sở hữu của các doanh nghiệp quốc doanh. Khoảng một nửa trong số các công ty này sử dụng một mô hình sở hữu đặc biệt (variable interest entity, VIE), một công ty vỏ bọc được lập tại Cayman Island, để niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, vì vậy người ta không biết các chủ sở hữu thực sự là ai. Các công ty còn lại, chẳng hạn như Weibo Corporation, tuy không thuộc sở hữu nhà nước, nhưng lại hành động theo các lệnh của ĐCSTQ để thực hiện các hoạt động, bao gồm cả việc giám sát [người dùng].

Chính phủ Tổng thống Biden đã thông báo rằng họ sẽ duy trì các lệnh cấm từ thời cựu Tổng thống Trump đối với đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty có mối liên kết với quân đội Trung Quốc. Theo quy định, các công ty và công dân Mỹ bị cấm mua hoặc bán cổ phần trong các công ty bị hạn chế của Trung Quốc, trong đó có các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu, các nhà sản xuất dầu, và các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ đã trở thành một mối đe dọa riêng, vì họ đang giúp Trung Quốc phát triển khả năng tính toán lượng tử của mình.

Theo các quy tắc do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) áp dụng hồi tháng Năm, các công ty Trung Quốc muốn niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ phải công bố liệu họ có thuộc sở hữu hoặc chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh hay không. Các quy tắc mới này được mở rộng ra cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ dưới dạng VIE. Cấu trúc này thường được các công ty công nghệ sử dụng vì theo luật của Trung Quốc, họ không thể bị nhà đầu tư ngoại quốc sở hữu. Do đó, các công ty công nghệ của Trung Quốc thành lập các công ty vỏ bọc được đăng ký tại Quần đảo Cayman và các công ty vỏ bọc này niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ. Theo các quy tắc mới của SEC, hơn 200 công ty có thể bị hủy niêm yết.

Các công ty Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực điện toán lượng tử, cũng như sản xuất các vi mạch bán dẫn bộ nhớ và các vi mạch bán dẫn điều hướng, nằm trong số những doanh nghiệp bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen. Danh sách tổ chức của Hoa Kỳ có tên của các công ty Trung Quốc, hầu hết những công ty này đều thuộc sở hữu nhà nước, mà Hoa Thịnh Đốn muốn ngăn chặn việc chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ (IP) và công nghệ quốc phòng của Hoa Kỳ. Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách này và chính phủ Tổng thống Biden đã bổ sung thêm hàng chục công ty khác.

Cùng với mối đe dọa trực tiếp gây ra bởi việc tài trợ cho các công ty Trung Quốc, vốn làm tăng khả năng quân sự của một quốc gia hiếu chiến, luật pháp Trung Quốc biến mọi công ty và công dân thành đặc vụ một cách hữu hiệu. Theo luật an ninh quốc gia, luật tình báo quốc gia, và luật an ninh mạng quốc gia, các công dân và tổ chức có nghĩa vụ hỗ trợ ĐCSTQ trong việc thu thập thông tin tình báo. Điều này bao gồm cả việc đánh cắp IP (tài sản trí tuệ).

Một trong những lý do chính dẫn đến chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc là do Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ. Trong một cuộc khảo sát của Hội đồng Giám đốc Tài chính Toàn cầu CNBC, gần một phần ba số công ty Bắc Mỹ nói rằng Trung Quốc đã đánh cắp IP từ họ trong thập niên vừa qua. Tính đến năm 2020, FBI đã mở hơn 1,000 vụ án có liên quan đến hành vi trộm cắp IP của các tổ chức có liên hệ với ĐCSTQ. Ông William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC), ước tính giá trị tài sản do Trung Quốc trộm cắp là 500 tỷ USD mỗi năm. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng chính quyền Trung Cộng là thủ phạm chính trong khoảng 80% các cuộc điều tra gián điệp công nghiệp của họ.

Công nghệ và các quỹ đầu tư Hệ thống vũ khí của Trung Quốc
Tấm áp phích truy nã này được dán tại Bộ Tư pháp ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 19/05/2014, cho thấy năm tin tặc Trung Quốc bị buộc tội gián điệp kinh tế và trộm cắp bí mật thương mại. Đây là những cáo buộc hình sự đầu tiên chống lại các quan chức quân đội Trung Cộng trong một vụ án gián điệp mạng quốc tế. (Ảnh: AP)

Kết hợp với trợ cấp từ nhà nước, việc có được công nghệ của Hoa Kỳ thông qua con đường hợp pháp và bất hợp pháp đang thúc đẩy tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực vũ khí tân tiến. Từ quan điểm kinh tế, đánh cắp công nghệ làm giảm bớt việc Trung Quốc phải trả hàng trăm triệu USD cho nghiên cứu và phát triển. Điều này đặt các công ty Trung Quốc vào một vị thế có lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở Hoa Kỳ. Từ quan điểm quốc phòng, việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ có nghĩa là trong trường hợp xảy ra chiến tranh, quân đội Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với vũ khí của chính mình, và PLA sẽ biết được năng lực cũng như các lỗ hổng của cương liệu và các hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ có một số biện pháp kiểm soát xuất cảng, ngăn chặn một số công nghệ và thiết bị được bán cho một số tổ chức ngoại quốc. Lệnh cấm đối với hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc bao gồm “các mặt hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ” — các linh kiện có thể được sử dụng trong khí tài quân sự.

Tuy nhiên, các công ty Hoa Kỳ có thể né tránh các quy định này bằng cách đầu tư trực tiếp vào các công nghệ này ở Trung Quốc. Đối với một nền dân chủ như Hoa Kỳ, việc hạn chế hành vi của các công dân sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với ĐCSTQ. Do đó, nếu quyết tâm đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc, thì các nhà đầu tư Hoa Kỳ được tự do làm như vậy. Theo các quan chức thương mại Hoa Kỳ, rất có thể Hoa Thịnh Đốn sẽ không chèn ép hoặc tăng cường giám sát đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ.

Cùng với các khoản đầu tư vào công nghệ quốc phòng, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực kiểm soát các nguyên liệu thô quan trọng cho quốc phòng. Chính phủ Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát các thị trường coban trên thế giới, tước đoạt của Hoa Kỳ và các nước khác một nguyên tố quan trọng cần thiết cho các loại vũ khí bằng điện và cho các loại xe cộ.

Con trai của Tổng thống Joe Biden, ông Hunter Biden, là người có công trong việc hỗ trợ ĐCSTQ mua 3.8 tỷ USD coban. Công ty của ông Hunter, BHR, có tên chính thức là Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Bột Hải Thượng Hải (Bohai Harvest RST), hợp tác với các công ty quốc doanh Trung Quốc để mua coban từ Cộng hòa Dân chủ Congo. Bột Hải cũng giúp một tập đoàn quốc phòng Trung Quốc mua một nhà sản xuất phụ tùng xe hơi của Hoa Kỳ.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang nỗ lực hạn chế dòng chảy công nghệ và vốn đến ĐCSTQ. Nhưng mỗi một đạo luật chỉ đơn thuần là một giải pháp tạm thời cho một vấn đề rất rộng lớn.

Hợp tác với các đồng minh của Hoa Kỳ trong một chương trình phối hợp nhằm [thu hút] việc trở lại sản xuất trong nước, hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, cũng như hạn chế Bắc Kinh tiếp cận các thị trường vốn phương Tây, sẽ tước đi cơ hội của chính quyền Trung Cộng nhằm đánh cắp hoặc mua lại công nghệ từ phương Tây, cũng như kìm hãm khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của họ. Ngoài ra, điều này sẽ tạo động lực cho Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây chuyển hướng các chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc và mở rộng cơ sở sản xuất của riêng mình.

Nguồn: Antonio Graceffo @ ePochTimes, Bình Hòa biên dịch

Tags: ,

Click to listen highlighted text!