Liên Hiệp Quốc lên án các phiên toà xử những nhà hoạt động ở Việt Nam liên tiếp trong tháng 12
December 17, 2021
Những nhà hoạt động vừa bị kết án trong tháng 12/2021: (từ trái qua) Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, Đỗ Nam Trung.-–
Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 17/12/2021 ra thông cáo báo chí lên án các phiên toà dồn dập và các bản án nặng nề mà chính quyền Việt Nam dành cho các nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam trong tháng 12 năm nay, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho những người này.
Liên tiếp trong vòng ba ngày của tuần này, các toà án ở Việt Nam đã kết án bốn nhà hoạt động vì quyền con người bao gồm: Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung với các cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Cụ thể, nhà báo Phạm Đoan Trạng bị tuyên án tù chín năm và năm năm quản chế sau hơn một năm giam giữ để điều tra; Trịnh Bá Phương – nhà hoạt động vì quyền đất đai – bị tuyên án tù 10 năm và năm năm quản chế trong cùng một phiên toà với bà Nguyễn Thị Tâm – người bị tuyên án sáu năm tù và ba năm quản chế; Đỗ Nam Trung – nhà hoạt động từng lên tiếng phản đối các trạm thu phí đường bộ BOT đặt sai quy định và tham nhũng – bị tuyên án 10 năm tù và bốn năm quản chế.
Trong khi đó, ông Lê Trọng Hùng, người từng ứng cử vào ghế đại biểu Quốc hội, cũng sẽ bị ra toà vào ngày 31/12 tới đây với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.
“Các cáo buộc chống lại năm người này, những người đã báo cáo về quyền con người và quyền đất đai và bị bắt giữ vào các năm 2020 và 2021, dường như là một phần trong một chiến dịch nhằm làm im lặng và đe doạ những người dám lên tiếng bảo vệ quyền con người”, thông cáo báo chí của UN viết.
Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận định tiếp: “Tất cả các trường hợp này là nối tiếp một tình trạng lặp lại đáng lo ngại làm dấy lên vấn đề nghiêm trọng về việc suy đoán vô tội, tính pháp lý trong việc giam giữ họ, và sự công bằng của phiên toà. Có tình trạng giam giữ mà không không được tiếp xúc với bên ngoài trước khi xét xử, kết án với tội danh được định nghĩa mù mờ như “tuyên truyền chống Nhà nước”, từ chối không cho tiếp xúc với luật sư, xét xử kín không tuân thủ các tiêu chuẩn về xét xử công bằng của quốc tế”
Nhận định về việc Hà Nội dồn dập mở các phiên toà xét xử những nhà hoạt động trong tháng 12 với các bản án nặng nề, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở TPHCM trả lời RFA qua tin nhắn:
“Theo tôi có hai lý do chính quyền xử án những người đấu tranh dân chủ liên tục vào cuối năm, thứ nhất, cuối năm ngành công an cần chốt sổ, chốt thành tích để làm chiến công báo cáo và thứ hai các đại sứ quán, bộ ngoại giao các nước cũng tập trung nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới nên sẽ không có khả năng phản ứng.
Còn việc chính quyền xử án rất nặng những người đấu tranh dân chủ, theo tôi lý do chính là để răn đe những người đấu tranh khác, răn đe những ai đang muốn tham gia vào phong trào dân chủ. Một lý do nữa là chính quyền Việt Nam tự tin là các nước dân chủ cần Việt Nam đối trọng với Trung Cộng, vấn đề nhân quyền là thứ yếu nên họ vẫn xử án nặng, cũng là để người dân VN đừng hy vọng gì vào sự can thiệp quốc tế về vấn đề nhân quyền. Một điểm nữa là Bộ Công an muốn chứng tỏ uy quyền tuyệt đối so với Bộ Ngoại giao.”
Cao uỷ Nhân quyền LHQ trong thông cáo mới cũng kêu gọi Việt Nam huỷ bỏ các điều luật mù mờ dùng để kết án những người bất đồng chính kiến vì không phù hợp với thông lệ về nhân quyền của quốc tế, đồng thời cảnh báo những trường hợp kết án như vậy chỉ làm xấu thêm tình trạng tự kiểm duyệt và ảnh hưởng tới tự do báo chí.
“Các trường hợp như vậy cũng ngăn cản người dân thực hiện các quyền căn bản của mình và tham gia vào tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng”, thông cáo báo chí của UN viết.
Nguồn: RFA