Vụ nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án: Bộ Ngoại giao Mỹ và quốc tế phản đối
December 15, 2021
Các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế lên tiếng về bản án đối với bà Trang.–
Cơ quan ngoại giao các nước và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, nhân quyền đồng loạt lên tiếng phản đối bản án 9 năm tù giam mà Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên đối với nhà báo Phạm Đoan Trang.
Chỉ vài giờ sau phiên xử ngày 14 tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trang và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm mà không sợ bị trả thù.
“Hoa Kỳ lên án việc buộc tội và kết án chín năm tù đối với nhà báo và tác giả Phạm Đoan Trang, người chỉ đơn thuần bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà.” – Tuyên bố có đoạn viết.
Ông Ned Price – Phát ngôn nhân của cơ quan này cũng nhắc đến quan điểm gần đây của Nhóm công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, cho thấy việc giam giữ bà Trang là tùy tiện và trái với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam.
Đại sứ quán Canada tại Hà Nội cũng ra tuyên bố trên trang Facebook chính thức về vụ việc, cho biết nước này “vô cùng quan tâm đến việc tuyên án đối với bà Phạm Thị Đoan Trang”, đồng thời cơ quan ngoại giao Canada cũng kêu gọi “nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát diện rộng đối với các phương tiện truyền thông và tự do ngôn luận.”
Các tổ chức nhân quyền lên tiếng
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế ra tuyên bố gọi bản án chín năm tù mà toà án Hà Nội đưa ra cho nhà báo Phạm Đoan Trang là “khủng khiếp”, ngay sau khi phiên toà kết thúc.
Trong tuyên bố của tổ chức này, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực còn nói thêm rằng:
“Việc chính quyền Việt Nam kết án Phạm Đoan Trang, một nhà báo và là người bảo vệ nhân quyền là không thể chấp nhận được. Bà Trang đã tranh đấu nhiều năm trời cho một nước Việt Nam công lý, tương thân tương ái, và tôn trọng quyền con người. Những việc ấy cần phải được tuyên dương và bảo vệ, chứ không phải hình sự hoá hay trừng phạt.”
Bà này còn cho rằng sự đối xử của chính quyền Việt Nam đối với nhà báo Phạm Đoan Trang trong những năm qua, bao gồm “sách nhiễu, giám sát, đe doạ, tra tấn, và khởi tố”, đã thể hiện “bản chất tàn bạo” của chế độ.
Văn bút Quốc tế – một tổ chức có tiếng trên thế giới về bảo vệ quyền tự do tư tưởng và biểu đạt của nhà báo và tác giả, có thông cáo báo chí gọi phiên toà và bản án mà chính quyền Việt Nam đưa ra là “hành động trả thù nhằm bịt miệng Phạm Đoan Trang, và trừng phạt những gì cô ấy đã làm.”
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì gọi Phạm Đoan Trang là một “nhà cải cách dấn thân”, và cho rằng sự cầm tù đối với bà Trang mà minh chứng cho thấy mọi sự sai trái ở nơi nhà cầm quyền Việt Nam.
Trưởng Văn phòng Khu vực Chấu Á- Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên hông Biên giới – RSF, ông Daniel Bastard, nói: “Những lập luận què quặt mà tòa án Hà Nội nêu ra làm căn cứ để ra bản án chín năm không thể lừa được ai. Đây là loại công lý chính trị theo lệnh của đảng cộng sản cầm quyền với mục tiêu duy nhất là trừng trị một nhà báo chỉ mong muốn đưa thông tin đến cho đồng bào của mình.”
RSF kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Việt Nam chịu trách nhiệm về quyết định không thể chấp nhận được như thế đối với bà Phạm Đoan Trang.
Bản án chín năm mà tòa Hà Nội tuyên cho nhà báo độc lập này được đưa ra sau 434 ngày giam giữ tùy tiện. Mục đích nhằm bị miệng một nhà đấu tranh hàng đầu cho quyền tự do báo chí tại Việt Nam và trên thế giới.
Chỉ số Tự do Báo chí năm 2021 của RSF xếp Việt Nam thứ 175 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Trịnh Hữu Long – người đại diện cho nhà báo Phạm Đoan Trang bày tỏ quan điểm trước phản ứng của cộng đồng quốc tế, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế không chỉ là với chính quyền Việt Nam, mà tôi nghĩ rằng có thể thông điệp quan trọng hơn mà họ muốn gửi là đến những nhà hoạt động, những người đang lên tiếng đấu tranh ở Việt Nam, rằng họ không cô đơn trong cái cuộc đấu tranh này.
Và thứ hai nữa, tôi nghĩ rằng nó là một cái điều gửi đến cho công chúng Việt Nam nói chung rằng những hành động của những nhà đấu tranh đó, những nhà báo đó là hoàn toàn không có gì sai trai về mặt pháp lý, và đáng được ủng hộ về mặt giá trị tiến bộ.”
Nhà báo Phạm Đoan Trang được biết đến rộng rãi bởi các tổ chức quốc tế thông qua những công việc và giải thưởng bà nhận được trong những năm qua.
Bà được nhận Giải Nhân quyền Homo Homini từ tổ chức People In Need hồi năm 2018.
Sau đó, được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF ở Pháp trao tặng giải Tự Do Báo Chí năm 2019.
Vào năm 2020, bà được tổ chức Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao giải Prix Voltaire cho hoạt động xuất bản sách cùng với Nhà Xuất bản Tự do.
Nguồn: RFA