Bắc Kinh lợi dụng hệ thống tổ chức Liên Hiệp Quốc
November 24, 2021
Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) tham dự cuộc gặp thượng đỉnh cho sáng kiến Vành đai và Con đường, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hồ Diên Kỳ, phía bắc Bắc Kinh, vào ngày 15/05/2017. (Ảnh: Lintao Zhang/AFP/Getty Images).–
Gia tăng ảnh hưởng phi tự do trên toàn cầu thông qua các khoản quyên góp nhỏ
Theo một nghiên cứu mới, Bắc Kinh lợi dụng các tổ chức quốc tế một cách rất chuyên nghiệp để tối đa hóa ảnh hưởng đang ngày càng tăng của chế độ này. [Trong khi đó], các khoản đóng góp tài chính của chế độ này cho các tổ chức là nhỏ bé, đơn lẻ, và nhằm mục tiêu để đạt được lợi thế tối đa.
Tuy nhiên, chế độ Bắc Kinh lại tìm cách thể hiện mình là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngay cả khi nó phạm nhiều tội ác diệt chủng, theo đúng định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, và đe dọa chiến tranh chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh, Bắc Kinh vẫn khai thác các cơ chế bỏ phiếu dân chủ trong các tổ chức quốc tế trong khi khước từ áp dụng các cơ chế đó với chính công dân của nước mình.
Phân tích một báo cáo mới do Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) công bố cho thấy rằng các khoản đóng góp của Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ, tách biệt để khỏi bị trộn lẫn bởi các khoản đóng góp lớn hơn và ít tính chiến lược hơn của các nền dân chủ toàn cầu, và được tận dụng để giành lấy lợi thế tối đa cho chính họ, thay vì cho mục tiêu tổng quan hơn của cộng đồng quốc tế.
Trong khi hệ thống của Liên Hiệp Quốc được cho là tìm cách thúc đẩy nhân quyền và dân chủ, thì thay vào đó, Bắc Kinh lại sử dụng hệ thống này để phủ nhận chủ quyền đối với Đài Loan dân chủ, cùng với các mục tiêu phi đạo đức khác dưới vỏ bọc “hòa bình và phát triển.”
Hòa bình với Bắc Kinh có nghĩa là tiếp tục vi phạm nhân quyền và cướp đoạt lãnh thổ từ các nước láng giềng mà không kích động sử dụng quyền tự vệ của các nền dân chủ trên thế giới. Phát triển đồng nghĩa với việc gia tăng sức mạnh kinh tế của chính Trung Quốc, đặc biệt là trước những đối thủ địa chính trị lớn của nước này là Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, và Ấn Độ.
Theo lưu ý của các tác giả của CGD, Trung Quốc “đã trở thành nhà tài trợ hàng đầu cho các tổ chức và quỹ đa phương dành cho cơ sở hạ tầng và nông nghiệp nhưng đóng góp của nước này cho các quỹ tập trung vào lợi ích công cộng như khí hậu và y tế toàn cầu vẫn ở mức thấp một cách không tương xứng.”
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng thường đứng từ thứ 10 đến thứ 30 về tài trợ của các tổ chức đa phương. Bắc Kinh có tỷ lệ biểu quyết ngày càng tăng trong các tổ chức này, nhưng họ thường dành riêng những khoản đóng góp để cho phép Trung Cộng sử dụng các khoản “quyên góp” và cho vay của mình cho các hoạt động gây ảnh hưởng toàn cầu hoặc cho các mục tiêu xuất cảng.
Theo ông Scott Morris, ông Rowan Rockafellow, và bà Sarah Rose, đồng tác giả của báo cáo này, “nhiều công ty Trung Quốc đặc biệt có sức cạnh tranh trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng giá trị lớn, đã đặc biệt thành công trong các vụ mua sắm của MDB [ngân hàng phát triển đa phương].”
Việc lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình thành lập Quỹ Hỗ trợ Hợp tác Nam-Nam trị giá 3 tỷ USD vào năm 2015 là nhằm tham gia với các bên đa phương để thực hiện nghị trình Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Nhưng từ năm 2013 đến 2018, 91% các dự án đã hoàn thành của họ thuộc nhóm cơ sở hạ tầng công cộng và kinh tế, từ đó Bắc Kinh được hưởng lợi nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã xuất cảng được sản lượng công nghiệp dư thừa của Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp sắt, thép, và công nghiệp xây dựng đúc gây ô nhiễm và được trợ cấp của Trung Quốc đang sản xuất quá mức, và Liên Hiệp Quốc, đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền (1948) của chính mình đã đứng ra giúp Chính phủ Bắc Kinh tìm thêm thị trường.
Năm 2017, Bộ Tài chính Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với 5 ngân hàng phát triển đa phương để thúc đẩy cơ sở hạ tầng và kết nối, phù hợp với nỗ lực kiểm soát việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G mà Bắc Kinh sử dụng cho hoạt động gián điệp.
Thay vì cam kết tài trợ vaccine COVID-19 cho cơ chế tiếp cận quốc tế COVAX, như nhiều quốc gia khác đã làm ngoài việc đóng góp tài chính, các công ty dược phẩm Trung Quốc được hưởng lợi từ các thỏa thuận của COVAX mua 550 triệu liều vaccine đến giữa năm 2022 từ Trung Quốc. Việc này đã diễn ra, bất chấp việc Trung Cộng có lỗi trong việc làm lây lan COVID-19 ban đầu do sự che đậy lúc đầu về vụ bùng phát ở Vũ Hán vào năm 2019, và hiệu quả của vaccine do Trung Quốc sản xuất còn mờ nhạt so với các đối tác phương Tây.
Về tổng thể, Trung Quốc được hưởng lợi thông qua sự tham gia đa phương một cách không cân xứng so với những đóng góp tài chính của họ, mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ví dụ, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cam kết 43.3 tỷ USD để phát triển Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chỉ đồng tài trợ cho các dự án của ADB trị giá 6.1 tỷ USD (cộng với vốn đăng ký khoảng 9.85 tỷ USD).
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã hỗ trợ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, tạo điều kiện cho sự bùng nổ kinh tế và hiện đại hóa quân sự của nước này. UNDP năm 2010 cũng ủng hộ “hợp tác Nam-Nam” của Bắc Kinh, điều này tạo điều kiện cho Trung Cộng chiếm ưu thế về phiếu bầu tại Đại hội đồng LHQ. Năm 2016, UNDP đã hỗ trợ BRI, thúc đẩy xuất cảng của Trung Quốc và nỗ lực kiểm soát các cảng phục vụ cho sự bành trướng của Bắc Kinh về hải quân trên toàn cầu.
Với cuộc diệt chủng đang diễn ra của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và Pháp Luân Công, cũng như sự hiếu chiến ngày càng tăng của quân đội của Trung Quốc đối với các nền dân chủ, bất kỳ ai ủng hộ dân chủ và nhân quyền nên có lập trường chống lại việc Bắc Kinh sử dụng các tổ chức quốc tế trên thế giới vì lợi ích của chính họ.
Để chấm dứt ảnh hưởng xấu trên toàn cầu của Trung Cộng, các lực lượng hàng đầu trong hệ thống quốc tế, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Nhật Bản, và Ấn Độ, nên chấm dứt sự đồng lõa của họ trong việc cho phép Bắc Kinh có một ghế trên bàn quốc tế.
Những gì từng là một cử chỉ thân thiện về sự hoà đồng và gắn kết thân thiện cùng Trung Quốc giờ đây thành một sự đồng lõa không thể chấp nhận được khi cho phép chính phủ Bắc Kinh lợi dụng các thể chế dân chủ quốc tế cho các mục đích xấu xa và chống lại các giá trị dân chủ.
Nguồn: Anders Corr @ ePochTimes