Biển Đông: Tàu Trung Quốc “quấy nhiễu” tàu Malaysia tại nhiều khu vực dầu khí
October 26, 2021
Lãnh thổ Malaysia và các vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở các vùng biển bao quanh trong đó có Biển Đông (phía bắc Malaysia). © Wikipedia.–
Tàu Trung Quốc hàng ngày quấy nhiễu tàu dân sự của Malaysia tại các khu vực dầu khí ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia suốt hai năm qua, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), có trụ sở ở Washington. Báo South China Morning Post hôm nay 26/10/2021 loan tin trên.
Ông Greg Poling, giám đốc AMTI trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói rằng tuần duyên Trung Quốc nhắm đến việc « kiểm soát » bãi cạn Luconia, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nơi tập đoàn Petronas của Malaysia có nhiều mỏ dầu khí. Tuần trước, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah dự báo tàu Trung Quốc sẽ còn đến quấy nhiễu khi Petronas tiếp tục khai thác mỏ khí Kasawari được phát hiện từ cuối 2011, trữ lượng có thể lên đến 85 tỉ mét khối. Mỏ này giàu tiềm năng đến nỗi tổng giám đốc Petronas nói rằng có thể giúp Malaysia trở thành một trong năm nhà xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu thế giới.
Theo ông Poling, tàu Trung Quốc chủ động va chạm một cách nguy hiểm để các tàu dân sự tiếp liệu cho giàn khoan không dám nhận hợp đồng. Nếu tàu Malaysia không chịu lùi, Bắc Kinh có thể điều đến các tàu khảo sát đại dương như Hải Dương Địa Chất, vốn thường kéo theo một lượng lớn tàu dân quân biển và một số tàu tuần duyên.
Tuần duyên Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu quấy nhiễu các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Indonesia tại vùng mỏ « Tuna Block » ở biển Natuna, tương tự như đã chèn ép Việt Nam và Malaysia trong những năm qua. Điểm khác biệt là cho đến nay vẫn chưa thấy dân quân biển Trung Quốc tham gia. Tuy Indonesia không đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, nhưng đã nhiều lần xung khắc với Trung Quốc về quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna.
Cũng theo ông Greg Poling, trong bốn năm vừa qua, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong việc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của nhiều nước láng giềng ở Biển Đông, nhờ đã hoàn thành các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa, làm cơ sở cho các tàu hải quân, tuần duyên và dân quân. Một báo cáo của AMTI tháng trước cho biết Trung Quốc đã triển khai radar, chiến đấu cơ, các giàn hỏa tiễn chống hạm trên Đảo Phú Lâm (Woody Island), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef).
Đại diện Trung Quốc tại Kuala Lumpur năm nay đã bị triệu mời hai lần, lần đầu do xâm phạm không phận Malaysia. Cho đến nay, khác với Việt Nam và Philippines, Malaysia và Indonesia vẫn tránh tố cáo các hoạt động Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng tình hình bắt đầu thay đổi.
Nguồn: RFI/Thụy My