Các lãnh đạo Bộ Tứ chuẩn bị nhóm họp trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường gây hấn
September 24, 2021
Các nhà lãnh đạo của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ hội kiến tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 24/09 cho hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của họ trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là “Bộ Tứ.” Họ sẽ thảo luận về các vấn đề trải dài từ công nghệ mới nổi và an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu cho đến biến đổi khí hậu và tương lai của chiến lược đa phương về Trung Quốc.
Ông Michael Green, Phó chủ tịch cao cấp phụ trách vấn đề Á Châu tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã nói về tầm quan trọng của Bộ Tứ trong việc đem lại sự ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa những nỗ lực gây bất ổn của Trung Cộng.
Hôm thứ Tư (22/09), ông Green nói trong một cuộc gọi với báo giới, “Hiện tại có một sự cấp bách đối với Bộ Tứ. Và điều đó đã thực sự trở thành một trong những phần quan trọng nhất của bộ công cụ ngoại giao cho bốn quốc gia này.”
Ông Green cũng cho biết, “Một trong những lý do chính là việc ông Tập Cận Bình đã áp dụng một cách tiếp cận khắc nghiệt hơn nhiều đối với các nước láng giềng của mình, trong đó có việc sử dụng bạo lực chống lại binh sĩ Ấn Độ trên dãy núi Himalaya, cùng sự gia tăng rõ rệt các hoạt động quân sự và bán quân sự của PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] xung quanh lãnh hải của Nhật Bản, một lệnh cấm vận liên tục đối với mọi mặt hàng xuất cảng của Úc từ rượu vang cho đến than đá vì chính phủ và các chuyên gia Úc đã lên tiếng chỉ trích vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, v.v.”
Vì thế, Tòa Bạch Ốc đã ban hành một tuyên bố khẳng định rằng sự tham gia đa phương tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là điều cần thiết để đáp ứng những thách thức trong thế kỷ 21, củng cố ý tưởng rằng tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở vẫn là rất quan trọng đối với tương lai của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và kiềm chế sự gây hấn của Trung Quốc
Trung Quốc đã nỗ lực để chống lại tầm nhìn như vậy bằng tầm nhìn của riêng mình, và làm suy yếu hoặc hạ thấp những thành công mà Bộ Tứ đã có trong việc xây dựng các mối bang giao trong khu vực này.
Bà Bonny Lin, giám đốc dự án China Power Project tại CSIS, cho biết: “Trung Quốc có xu hướng tham gia các chiến dịch [tuyên truyền] thông tin sai lệch về bản chất và mục đích của Bộ Tứ.”
“Khi quý vị nhìn vào không gian thông tin/thông tin sai lệch của Trung Quốc, Trung Quốc đang cố gắng sử dụng tất cả các thông điệp khác nhau để làm suy yếu đi cách mà Bộ Tứ được quốc tế nhìn nhận và làm suy yếu cách mà các quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đang nhìn nhận Bộ Tứ.”
Bà Lin giải thích rằng những nỗ lực này thường xuyên tìm cách gieo rắc bất hòa giữa chính các quốc gia trong Bộ Tứ, cũng như gây lo ngại giữa các liên minh khác trong khu vực như ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) rằng Bộ Tứ sẽ tìm cách thay thế họ.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực như vậy, ông Green và bà Lin đồng ý rằng hội nghị thượng đỉnh tuần này báo hiệu rằng các quốc gia tham dự đã sẵn sàng tận dụng Bộ Tứ như một phương tiện chính để hợp nhất sức mạnh của họ nhằm giảm thiểu sự gây hấn của Trung Quốc.
Ông Green nói, “Người Trung Quốc rất ghét điều đó. Còn các nước Đông Nam Á thì đã quen với nó. Nhưng với bốn nhà lãnh đạo, đây hiện là một phần trọng tâm trong việc họ sẽ làm cách nào để kiềm chế được một Trung Quốc ngày càng tham vọng và hiếu chiến.”
Ông Green cũng lưu ý rằng bản chất không chính thức của Bộ Tứ này đã có tác dụng khá tốt để phát triển các mối bang giao lành mạnh giữa mỗi quốc gia liên quan, và dự đoán rằng diễn đàn này có thể thu hút sự gia tăng hợp tác với các quốc gia khác ở cả trong lẫn ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi các cuộc khủng hoảng hoặc vấn đề cụ thể xuất hiện.
“Bộ Tứ không phải là giải pháp duy nhất ở Á Châu,” ông Green cho biết. “Đó cũng không phải là một hiệp ước chính thức. Mà đó chính là một chiếc dù của bốn nền dân chủ hàng hải hùng mạnh này. Và bên trong chiếc dù đó, các mối bang giao song phương và tam phương đang tiếp tục được củng cố.”
Cân nhắc đến thực tế đó, và tính chính danh ngày càng tăng được trao cho diễn đàn thông qua hội nghị thượng đỉnh tuần này, ông Green và bà Lin tin rằng Bộ Tứ sẽ hoạt động hiệu quả song song với các hiệp ước có sứ mệnh cụ thể giữa nhiều quốc gia đa dạng hơn.
AUKUS là một điều có lợi, không phải là một rào cản
Hiệp ước đáng chú ý nhất trong số các hiệp ước kiểu này là AUKUS, thỏa thuận quân sự gần đây giữa Úc, Anh Quốc và Mỹ Quốc, vốn sẽ giúp trang bị cho Úc một hạm đội tàu ngầm nguyên tử.
Những chiếc tàu ngầm như vậy sẽ mang lại khả năng quân sự đáng kể cho Úc, cả với tư cách là một cường quốc độc lập tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và một thành viên của Bộ Tứ. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã bắt đầu một nỗ lực tuyên truyền để hạ thấp tính hợp pháp [mà thế giới] nhìn nhận về thỏa thuận này.
Bà Lin nói: “Trung Quốc hiện đang truyền đạt thông điệp rằng chính AUKUS sẽ phá hoại Bộ Tứ.”
Bất chấp nỗ lực này, ông Green lưu ý rằng cả bốn quốc gia đều đánh giá cao AUKUS do sức mạnh thực sự của liên minh này trong việc chống lại các khả năng quân sự của Trung Cộng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và rằng sức mạnh hải quân tăng lên là một điều có lợi cho cả bốn quốc gia thuộc liên minh Bộ Tứ.
Ông Green cho hay, “[AUKUS] không phải là một thỏa thuận của Bộ Tứ, nhưng tôi nghĩ rằng những quốc gia thuộc Bộ Tứ mà không thuộc AUKUS — Nhật Bản và Ấn Độ — khá hài lòng với điều này, bởi vì thực sự trong 50 năm tới liên minh này sẽ thiết lập lại các quỹ đạo về sức mạnh hải quân ở Thái Bình Dương, và từ quan điểm của các quốc gia đó sẽ làm ổn định mọi thứ trong khi Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng lực lượng hải quân của mình.”
Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla cũng đã nói tương tự trong một loạt bài diễn văn vào hôm 22/09, nói rằng AUKUS không hề làm mờ nhạt đi bản chất hoặc tính hữu ích của Bộ Tứ.
Tiếp nối hội nghị thượng đỉnh này, ông Green còn nói rằng có khả năng Bộ Tứ sẽ tiếp tục hành động theo kiểu tùy cơ ứng biến, phản ứng với các tình huống mới khi chúng phát sinh, nếu không diễn đàn này có thể dễ dàng chính thức hóa hoặc hoạt động đồng bộ với AUKUS nếu Trung Cộng ngoan cố gây hấn hoặc có hành vi bá quyền trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Green nói: “Lực lượng hải quân của Bộ Tứ có khả năng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc nếu họ chọn hợp tác theo cách có chủ ý hơn. Nếu tham vọng và sự bành trướng và sự uy hiếp của Trung Quốc trở nên lớn mạnh, tôi hy vọng quý vị sẽ thấy được điều đó.”
Nguồn: Andrew Thornebrooke @ ePochTimes, Thanh Tâm biên dịch
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.