Bắc Kinh đòi các tàu phải khai báo khi đi qua “lãnh hải” Trung Quốc
August 31, 2021
Trung Quốc đòi độc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Ảnh minh họa. AFP.–
Cuối tuần qua, Bắc Kinh tuyên bố kể từ ngày 01/09/2021, tức là chỉ vài ngày sau khi thông báo, các tàu nước ngoài đi qua vùng biển được coi là « lãnh hải » của Trung Quốc phải khai báo các thông tin chi tiết.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải cung cấp các thông tin khi đi qua « vùng lãnh hải » Trung Quốc. Ngoài ra, « các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc » cũng phải tuân thủ quy định này.
Những tàu này phải khai báo tên, số hiệu, vị trí, cảng sắp ghé và giờ dự định đến nơi. Tên các vật liệu nguy hiểm và trọng tải của tàu cũng phải được báo cáo.
Trang The Interpreter của Lowy Institute có trụ sở tại Úc cho biết, việc dung hòa giữa vấn đề an toàn và tự do hàng hải đã được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo công ước này, các quốc gia ven biển không được ngăn trở tàu ngoại quốc đi qua vô hại trong lãnh hải của mình, trừ trường hợp đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các hoạt động vũ trang.
Vấn đề ở đây là khái niệm « lãnh hải » của Bắc Kinh. Theo điều 2 Luật Biển và vùng tiếp giáp của Trung Quốc ngày 25/02/1992, « vùng lãnh hải » là vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc, mà lãnh thổ đó được cho là bao gồm cả Đài Loan và các nhóm đảo khác như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa). Có nghĩa là nằm trong « đường lưỡi bò » mà Bắc Kinh tự vẽ, bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông.
Một điểm nhập nhằng khác là chiến hạm các nước nhất là của Mỹ có thể bị diễn giải là « tàu gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc ».
Hiện chưa biết Trung Quốc tìm cách áp đặt quy định mới như thế nào, và cộng đồng quốc tế phản ứng ra sao. Nhưng nếu không bảo đảm quyền đi qua vô hại vốn được Hoa Kỳ rất coi trọng, Bắc Kinh có thể gây thêm căng thẳng tại Biển Đông.
Phát hiện mới về chủ quyền Hoàng Sa
Riêng về yêu sách chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, nhà nghiên cứu Bill Hayton của Anh hôm 26/08 đã công bố một phát hiện mới. Đó là bản dịch sang tiếng Anh một lá thư từ năm 1899 của Tổng lý Nha môn, tức bộ Ngoại Giao của triều đình Mãn Thanh, xác nhận Hoàng Sa nằm ở vùng khơi xa, có nghĩa là không thuộc về Trung Quốc.
Tư liệu mới này bổ sung cho nghiên cứu trước đây của bà Monique Chemillier-Gendreau trích từ văn khố Pháp, nêu vài trường hợp từ thế kỷ 19. Hai chiếc tàu Bellona của Đức và Imegi Maru của Nhật chở nguyên liệu đồng được các hãng Anh bảo hiểm, đi qua Hoàng Sa năm 1895-1896 bị ngư dân Trung Quốc cướp. Trả lời bộ Ngoại Giao Anh, các viên chức Hải Nam bác bỏ mọi liên can, nói rằng Hoàng Sa là hoang đảo không thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Nguồn: RFI/Thụy My