Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 23, 2024

Trung Cộng kêu gọi Tây Tạng chấp nhận 70 năm cai trị cộng sản


Khách du lịch đến thăm Cung điện Potala, một di sản được UNESCO công nhận, trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức dành cho các ký giả ở Lhasa, Tây Tạng, Trung Quốc, hôm 01/06/2021. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images).–

Trung Cộng đã đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày nắm quyền kiểm soát Tây Tạng bằng một lời kêu gọi rằng khu vực này hãy chấp nhận sự cai trị của nhà cầm quyền.

Tại Cung điện Potala, một biểu tượng văn hóa của Tây Tạng, một địa điểm Phật giáo linh thiêng ở thủ đô Lhasa của Tây Tạng, hôm 19/08, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã nói chuyện trước một đám đông được kiểm soát chặt chẽ gồm 20,000 người, coi đảng này là vị cứu tinh đã “giải thoát một cách hòa bình” những “nô lệ nông dân” Tây Tạng.

Ông Uông nói: “Tây Tạng chỉ có thể phát triển và thịnh vượng khi tuân thủ chấp hành theo sự lãnh đạo của đảng và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.” Ông cũng là người đứng đầu cơ quan cố vấn chính trị trên danh nghĩa của chính phủ và là thành viên của cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, đó là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Quân đội cộng sản Trung Cộng đã hành quân vào khu vực Himalaya rộng lớn này vào năm 1951, buộc các nhà lãnh đạo Tây Tạng phải chấp nhận một hiệp ước mà trong đó đã hứa sẽ duy trì hệ thống chính trị hiện có của Tây Tạng, quyền tự chủ trong khu vực, và tự do tôn giáo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, năm nay đã 86 tuổi, vào năm 1959 ngài đã đào thoát đến Ấn Độ bằng cách đi bộ, sau khi quân đội Trung Quốc trấn áp một cuộc nổi dậy của người Tây Tạng. Theo chính phủ Tây Tạng lưu vong, có khoảng 80,000 người đã sớm đi theo ngài.

Trong khi Trung Cộng tuyên bố rằng họ đã “giải thoát” nông dân Tây Tạng khỏi một chế độ thần quyền áp bức, các nhà phê bình và các nhà hoạt động nói rằng thay vào đó, Bắc Kinh đã bắt tay vào một chiến dịch “diệt chủng văn hóa” ở vùng đất Phật giáo độc đáo này, nơi mà gần như trong suốt thời kỳ lịch sử của mình hầu như không phụ thuộc vào sự cai trị của trung ương Trung Cộng.

Những người hành hương Phật giáo Tây Tạng đang thực hiện bước bộ hành kora tại một ngôi đền trên hồ nước mặn Namtso nằm ở trên núi cao trong chuyến thăm do chính phủ tổ chức dành cho các ký giả ở Namtso, Tây Tạng, Trung Quốc, hôm 02/06/2021. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Theo các nhóm nhân quyền, trong những năm qua, Trung Cộng đã buộc các tăng, ni phải quay trở lại cuộc sống thế tục đồng thời đưa ra những bản án khắc nghiệt, có thể lên đến 20 năm tù giam, đối với một số vị tăng.

Một báo cáo năm 2020 của Tổ chức tư vấn Jamestown cũng cho thấy các trại đào tạo nghề được quân sự hóa—giống với những trại giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương—đang xuất hiện ở Tây Tạng.

Trong bài diễn văn của mình tại buổi lễ, ông Uông với một giọng điệu đắc thắng, đắc ý trước những gì ông mô tả là một Tây Tạng “hài hòa và ổn định,” nơi các dân tộc khác nhau “thương yêu nhau như trà và muối,” [sự ví von này] liên quan đến một loại đồ uống địa phương bốc hơi nghi ngút, có vị mặn của muối được gọi là trà bơ.

Ông cho biết đảng đã “đánh bại các hoạt động ly khai và hành vi phá hoại do nhóm của Đức Đạt Lai [Lạt Ma] và các thế lực thù địch ở hải ngoại gây ra” và xóa bỏ thành công tình trạng đói nghèo cùng cực trong khu vực này.

Việc tăng cường sự đồng hóa văn hóa và “giáo dục lòng ái quốc” dường như sẽ diễn ra đối  người Tây Tạng. Nhấn mạnh về việc cần thiết phải tăng cường sự chấp nhận của công chúng đối với đảng và “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc,” ông Uông đã kêu gọi “những nỗ lực toàn diện” để thúc đẩy người Tây Tạng viết và nói tiếng Quan Thoại được chuẩn hóa và phát triển “các biểu tượng và hình ảnh chung của dân tộc Trung Hoa.”

Các cảnh quay về sự kiện này được phát trực tiếp trên toàn quốc qua phương tiện truyền thông nhà nước Trung Cộng, nổi bật dễ thấy là một bức chân dung của lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình cao sừng sững trước mặt khán giả, một cảnh tượng gợi nhớ đến sự sùng bái cá nhân được dựng lên quanh người cai trị đầu tiên của đảng này là Mao Trạch Đông.

Cuối ngày hôm đó, ông Uông đã tham gia cùng với khoảng 600 người đến xem một buổi biểu diễn với các phân đoạn có nội dung ca ngợi lòng biết ơn của người Tây Tạng đối với đảng.

Không khí lễ hội này đã không được lan tỏa trong cộng đồng người Tây Tạng.

Nhóm Chiến dịch Quốc tế dành cho Tây Tạng, một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết trong một tuyên bố, “Đánh giá về những phát triển ở Tây Tạng trong 70 năm qua, người dân Tây Tạng không có lý do gì để vui mừng.”

Nhóm này nói thêm: “Các chính sách của Trung Quốc đã biến Tây Tạng thành một ngục tù lộ thiên.”

Một phụ nữ Tây Tạng theo Phật giáo cầm các chuỗi hạt cầu nguyện khi bà quay Kinh luân tại một ngôi đền địa phương ở Lhasa, Tây Tạng, Trung Quốc, ngày 03/06/2021. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Nhóm này đã trích dẫn một quy tắc ứng xử nội bộ mới cấm các quan chức Tây Tạng thực hành tín ngưỡng tôn giáo. Theo nhóm này, chính sách mới này bắt đầu được công bố lần đầu tiên hồi tháng 04/2021 và cấm các đảng viên nắm giữ các chức vụ chính thức đeo chuỗi hạt Phật giáo, treo biển hiệu tôn giáo trên xe của chính phủ, quyên góp tiền cho các tu viện, cũng như chi trả cho việc hành hương tôn giáo. Các quan chức này cũng được yêu cầu là không khuyến khích thân nhân của họ thực hành tôn giáo.

Nhóm này tuyên bố, “Sau 70 năm bị đàn áp, điều duy nhất mà người dân Tây Tạng cần ‘giải thoát hòa bình’ kể từ ngày hôm nay chính là sự tàn bạo của Trung Quốc.”

Nguồn: Eva Fu/Tịnh Nhi @ePochTimes
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.

Tags: ,

Click to listen highlighted text!