Gây căng thẳng với Litva về Đài Loan, Trung Quốc sẽ bị “già néo đứt dây”?
August 13, 2021
Vilnius, thủ đô Litva, ngày 22/05/2020. AP/Mindaugas Kulbis.–
Vào lúc công luận phương Tây đang bất bình trước việc Trung Quốc kết án tù công dân Canada trong một động thái bị cho là để gây sức ép trong vụ Mạnh Vãn Châu, nhật báo Pháp Le Monde số đề ngày 13/08/2021 lại nêu bật một hành vi quá đáng khác của Bắc Kinh nhắm vào một nước châu Âu nhỏ bé là Litva trên vấn đề Đài Loan. Đối với tờ báo, Trung Quốc có thể bị lâm vào tình thế “già néo đứt dây”.
Trong bài “Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Litva về Đài Loan”, Le Monde đã tóm lược vụ việc như sau: Litva sẽ cho Đài Loan mở một văn phòng đại diện thương mại trên nước mình. Thế nhưng Trung Quốc đã cho rằng tính toàn vẹn lãnh thổ của họ bị xâm phạm, và đã triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius về nước, cũng như yêu cầu đại sứ Litva tại Bắc Kinh rời đi.
Theo Le Monde, việc Đài Loan mở văn phòng đại diện của mình tại các nước trên thế giới không hiếm. Hiện chính quyền Đài Bắc có tất cả 57 văn phòng loại này – một cơ sở tương đương với đại sứ quán một nước – tại 57 quốc gia mà Đài Loan không có quan hệ ngoại giao.
Bắc Kinh nổi giận vì Vilnius dùng tên “Đài Loan”
Tuy nhiên, vấn đề khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ, là chính quyền quốc gia vùng Baltic này không gọi cơ sở đó là văn phòng đại diện của Đài Bắc, theo cách mà Trung Quốc áp đặt, mà lại dùng tên Đài Loan. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên án một động thái “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và đi ngược lại nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất”.
Như thông lệ, Trung Quốc đã lớn tiếng đe dọa Litva. Trong một bài xã luận hôm 11/08, Hoàn Cầu Thời Báo đã tố cáo “hành vi cực kỳ liều lĩnh” của Vilnius và cho rằng “Trung Quốc và Nga cần hợp tác để trừng phạt Lítva”. Theo tờ báo diều hâu Trung Quốc: “Nếu Litva không đổi ý, Trung Quốc phải chuẩn bị cắt đứt quan hệ. Ngoài ra, Trung Quốc nên tham gia với Nga và Belarus, hai quốc gia có biên giới với Litva, trong việc trừng phạt này.”
Trước đó một hôm, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo là Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), đã mô tả Litva như là một “quốc gia nhỏ bé và điên rồ với đầy rẫy những lo âu về địa chính trị” và là tay sai của Mỹ.
Ba lý do khiến Litva “thân thiện” với Đài Loan
Phân tích về quyết định của Vilnius khi chọn tên “Văn phòng Đài Loan”, dù biết rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ nổi trận lôi đình, Le Monde nêu bật ba lý do:
Trước hết Litva là một trong những quốc gia khu vực Bắc và Đông Âu đã “sáng mắt” trước bản chất của Trung Quốc nhân đại dịch Covid-19 vừa qua và đã quyết định xích lại gần Đài Loan hơn, ngay cả khi họ không chính thức công nhận đảo này về mặt ngoại giao.
Ngoài ra, Đài Loan không chỉ chia sẻ với các nước này các giá trị dân chủ, mà còn có thể là một đối tác kinh tế phù hợp hơn cả về quy mô lẫn trình độ phát triển.
Hơn nữa, các đòn trả đũa của Trung Quốc trong những năm gần đây nhắm vào các nước châu Âu như Thụy Điển đã cho khu vực thấy mức độ khó lường của Bắc Kinh.
CH Séc và Litva cùng giới tuyến
Đây là trường hợp của Cộng Hòa Séc, nước mà chủ tịch Thượng Viện đã có chuyến thăm lịch sử và đáng chú ý tới Đài Bắc vào tháng 9 năm 2020, với tuyên bố “Tôi là người Đài Loan” trước Nghị Viện đảo này. Cùng năm, thủ đô Séc Praha tuyên bố kết nghĩa với Đài Bắc mà không sợ Bắc Kinh trả đũa.
Riêng Litva thì đã nằm trong tầm nhắm của Bắc Kinh sau khi các phương tiện truyền thông của nước này bị Trung Quốc cho là đã dành chỗ quá nhiều cho giả thuyết virus Covid-19 bắt nguồn từ một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Vào mùa xuân năm 2021, Vilnius quyết định rút khỏi diễn đàn hợp tác 17+1 mà Bắc Kinh thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ của họ với 17 quốc gia trong khu vực Balkan và khối Liên Xô cũ. Qua tháng 6, Litva đã tặng 20.000 liều AstraZeneca cho Đài Loan, nơi đang thiếu vac-xin, để cảm ơn khẩu trang và sản phẩm vệ sinh do Đài Bắc cung cấp vào năm trước.
Litva: Nước châu Âu đầu tiên chọn Đài Bắc thay vì Bắc Kinh?
Phản ứng trước việc Trung Quốc triệu hồi đại sứ tại Lítva, Hoa Kỳ đã tuyên bố “sát cánh cùng đồng minh Litva” và “hỗ trợ các đối tác châu Âu trong việc phát triển quan hệ với Đài Loan”.
Còn phát ngôn viên Cơ Quan Hành Động Đối Ngoại Châu Âu, Nabila Massrali, thì nhắc lại rằng Liên Hiệp Châu Âu không coi “việc mở văn phòng đại diện ở Đài Loan hoặc đến từ Đài Loan là vi phạm chính sách một nước Trung Hoa của EU”, và lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc triệu hồi một đại sứ về vấn đề này.
Theo Le Monde, nếu đoạn giao với Litva, Trung Quốc có nguy cơ lập ra một tiền lệ nghiêm trọng: Lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia châu Âu kết nối lại với kẻ thù không đội trời chung Bắc Kinh.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa