New Zealand khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên biển
August 4, 2021
Đảo Phú Lâm (Woody Island), thủ phủ thành phố Tam Sa mà Trung Quốc lập ra trên Biển Đông, tháng 12/2020..–
New Zealand hôm 3 tháng 8 gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để thể hiện quan điểm liên quan đến Biển Đông, khẳng định Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS- 1982) là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên biển.
Trong công hàm của mình, New Zealand trước hết khẳng định không đứng về phía bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông và công hàm của nước này không phải là phản hồi đối với công hàm của Malaysia.
New Zealand nhấn mạnh không có căn cứ pháp lý cho yêu sách lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông như đã được nêu trong phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016, đồng thời khẳng định không có căn cứ pháp lý để các quốc gia ven biển có thể đưa ra yêu sách “quốc gia quần đảo”.
Công hàm của New Zealand cũng tái khẳng định quy định của UNCLOS-1982 rằng thực thể nửa chìm nửa nổi nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển không thể tạo nên các vùng biển. Tương tự, các thực thể chìm không làm phát sinh bất kỳ quyền lợi nào. Các thực thể này không phải là đối tượng của các yêu sách chủ quyền cũng như các hành động chiếm giữ.
New Zealand bác bỏ yêu sách lịch sử ở Biển Đông, khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 là cuối cùng và ràng buộc với các bên.
Nhiều nước trong và ngoài khu vực Biển Đông từ cuối năm 2019 bắt đầu gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bày tỏ phản đối những yêu cách chủ quyền bị cho là phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Trong số đó có Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Hoa Kỳ, Anh- Pháp- Đức, Nhật Bản, Australia và nay là New Zealand.
Nguồn: RFA