Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin công du Hà Nội, nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ
July 26, 2021
Bộ trưởng Lloyd Austin trong cuộc họp báo tại bộ Quốc Phòng Mỹ, Washington, ngày 21/07/2021. AP – Kevin Wolf.
Chuyến công du Việt Nam ngày 28 và 29/07/2021 của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin là bước tiếp theo trong loạt sự kiện ngoại giao gần đây cho thấy mối quan hệ Việt – Mỹ đang được thắt chặt hơn : Washington liên tục tái khẳng định ủng hộ tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Mỹ hiện là nước tặng nhiều vac-xin nhất cho Việt Nam. Và hai nước vừa đạt được một thỏa thuận trong hồ sơ “thao túng tiền tệ”.
Chỉ ít ngày trước chuyến công du của bộ trưởng Lloyd Austin, tầu cảnh sát biển 8021 được Mỹ chuyển giao đã về tới Việt Nam. Trên trang Facebook ngày 23/07, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh tầu CBS 8021 “chứng minh cho sự hợp tác an ninh hàng hải chặt chẽ giữa hai nước và giúp bảo đảm trật tự dựa trên quy tắc ở Biển Đông”. Điều này từng được ông Lloyd Austin khẳng định trong buổi họp báo ngày 21/07 tại Washington là sẽ “thể hiện rõ ràng lập trường của Mỹ về một số yêu sách đáng tiếc và vô căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông” trong chuyến thăm ba nước Đông Nam Á : Việt Nam, Singapore, Philippines.
Chuyến công du của ông Lloyd Austin là nhằm “tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ” với từng nước và “cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực”, theo thông cáo ngày 19/07 của người phát ngôn của bộ Quốc Phòng John F. Kirby. Nhưng quan trọng hơn cả là để chứng minh “Đông Nam Á và ASEAN là một phần thiết yếu trong kiến trúc Ấn Độ-Thái Bình Dương” của chính quyền Biden-Harris.
Biển Đông, tăng cường hợp tác quân sự và vac-xin ngừa Covid-19 được cho là những chủ đề sẽ được đề cập trong chuyến công du Việt Nam của người đứng đầu Lầu Năm Góc. Chủ trương thắt chặt quan hệ với Việt Nam của chính quyền Trump sẽ được chính quyền Biden tiếp tục. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu N. T., chuyên về quan hệ đối ngoại của Việt Nam, khi trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử ngày 24/07.
RFI : Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều trao đổi ngoại giao trong thời gian gần đây : Ngoại trưởng Mỹ điện đàm với phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Hà Nội và Washington đạt được thỏa thuận về vấn đề thao túng tiền tệ và sắp tới là chuyến công du của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ. Những sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và đối với Hoa Kỳ ?
Nhà nghiên cứu N. T. : Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin sẽ là bước tiếp theo trong một loạt các chuyến đi cấp cao của các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ trong những năm gần đây. Những người tiền nhiệm của ông Austin dưới thời chính quyền Trump là Mark Esper và Jim Mattis đã đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của họ (Mattis đã đến thăm Việt Nam hai lần chỉ trong năm 2018). Điều đó cho thấy hai nước vẫn mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương, nhất là khi năm 2020 không có nhiều hoạt động nổi bật do ảnh hưởng của đại dịch.
Khi xét tới các trao đổi ngoại giao gần đây, có thể thấy chính quyền Biden sẽ tiếp tục đường lối thắt chặt quan hệ với Việt Nam của chính quyền Trump. Chính quyền Biden có thể gây sức ép nhiều hơn đối với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền và thương mại, nhưng họ sẽ không để các bất đồng này làm chệch hướng quan hệ hợp tác. Mỹ coi Việt Nam là một yếu tố quan trọng để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, và ông Austin chắc chắn sẽ thảo luận về hợp tác tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam.
RFI : Có thể hiểu Singapore và Philippines được chọn là điểm đến cho chuyến công du của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, còn tại sao là Việt Nam ?
N. T. : Trong Hướng dẫn chiến lược an quốc gia tạm thời của Mỹ, được công bố tháng 03/2021, Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Singapore, Việt Nam và các quốc gia khác thuộc ASEAN. Đây là điều đáng chú ý khi Thái Lan và Philippines, hai nước có quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, lại không được nhắc đến cụ thể. Điều đó cho thấy Mỹ đánh giá cao mối quan hệ hợp tác an ninh với Việt Nam.
Ngoài ra, chuyến thăm Việt Nam và Singapore còn cho thấy sự chú ý của chính quyền Biden đến tranh chấp Biển Đông. Việt Nam là bên tham gia tranh chấp có năng lực quốc phòng và ý chí chính trị để sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Singapore tuy không phải là bên có tranh chấp, nhưng theo đuổi lập trường cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, Sinagpore cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân của Singapore, đồng thời cung cấp hỗ trợ hậu cần cho lực lượng Mỹ, tạo điều kiện cho Mỹ triển khai lực lượng trên Biển Đông.
Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Philippines gặp nhiều trắc trở do chính sách xích lại gần Bắc Kinh của tổng thống Duterte. Thái Lan không phải là bên tranh chấp và cũng có xu hướng thân thiết hơn với Trung Quốc trong những năm gần đây.
RFI : Trong mỗi cuộc họp gần đây, Việt Nam đều đề cập đến vấn đề cung cấp vac-xin và chuyển giao công nghệ sản xuất. Tổng thống Biden khẳng định không tiến hành ngoại giao vac-xin như Trung Quốc mà muốn giúp cả thế giới chống dịch. Nhưng liệu có thể nói là “ngoại giao vac-xin” của Mỹ đang thành công ở Việt Nam không ? Vấn đề này có giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai nước ?
N. T. : Cho đến nay, Mỹ đã tặng Việt Nam 5 triệu liều vac-xin Moderna, đưa nước này trở thành quốc gia tặng nhiều vac-xin nhất cho Việt Nam. Ngoài ra, trong kế hoạch của chính quyền Biden chia sẻ 80 triệu liều vac-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia được ưu tiên nhận trực tiếp hoặc thông qua cơ chế COVAX. Sự hỗ trợ kịp thời của Mỹ đối với Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải đối phó với số ca nhiễm tăng kỷ lục, sẽ giúp tăng cường lòng tin và thắt chặt hợp tác giữa hai nước.
Tuy nhiên, Mỹ còn có thể làm được nhiều hơn trong hoạt động ngoại giao vac-xin tại Việt Nam. Cụ thể, Mỹ và Việt Nam có thể tiến hành đàm phán về việc chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin để Việt Nam có thể sản xuất trong nước hoặc ít nhất đóng gói vac-xin của Mỹ. Như vậy sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi, mở rộng khả năng tiếp cận vac-xin của người dân Việt Nam, đồng thời ứng phó với tình huống xuất hiện thêm biến thể của virus SARS-CoV-2. Hiện nay, đã có một công ty của Việt Nam đang đàm phán với một công ty của Mỹ về việc chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin mRNA. Phía Việt Nam chắc chắn sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận trong chuyến thăm của bộ trưởng Quốc Phòng Austin.
RFI : Cũng trong thời gian này, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ cũng đến Trung Quốc và được cho là sẽ trao đổi thẳng thắn những vấn đề mà Washington quan tâm, từ nhân quyền đến an ninh khu vực, có lẽ có cả Biển Đông. Liệu những “quan ngại”, “phản đối” của Mỹ có càng khiến cho chính quyền Trung Quốc thêm quyết tâm không buông bỏ những yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông ?
N. T. : Tôi cho rằng căng thẳng về những “quan ngại” và “phản đối” của Mỹ sẽ không làm Trung Quốc chùn bước, mà thậm chí có thể khiến Trung Quốc tìm cách thúc đẩy hơn nữa các yêu sách chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Thứ nhất, giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Trung Quốc đang có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Họ tin vào cái họ cho là tính ưu việt của mô hình quản lý và điều hành kinh tế của Trung Quốc, trong đó đảng Cộng Sản Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ, so với mô hình dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do của Mỹ và phương Tây. Đại dịch Covid-19 và phản ứng yếu kém ban đầu của Mỹ càng khiến họ tin tưởng hơn vào nhận định trên. Như vậy, những chỉ trích của Mỹ sẽ không đủ để khiến Trung Quốc thay đổi đường lối, nhất là khi quan hệ hai bên vẫn rất căng thẳng sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào công ty Microsoft.
Thứ hai, Trung Quốc coi Biển Đông là vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của nước này. Bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc nhìn chung vẫn không thay đổi các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông và tiếp tục gây sức ép đối với các bên tuyên bố chủ quyền khác, trong đó có Việt Nam. Kể cả khi phải vật lộn chống đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn tăng cường sự hiện diện của mình thông qua tuần tra và quấy nhiễu hoạt động của các nước tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông.
Thứ ba, giới lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng cửa sổ cơ hội của họ để đạt được các mục tiêu địa-chiến lược, trong đó có tạo lập quyền kiểm soát tại Biển Đông, đang thu hẹp lại do chính các vấn đề trong nội bộ. Nền kinh tế của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng mới dựa nhiều vào tiêu dùng nội địa và đổi mới công nghệ, nên trong những năm tới sẽ khó có thể đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như trong những năm 2000.
Trung Quốc cũng đối mặt với dân số đang già hóa nhanh chóng trong khi nước này vẫn chưa phải là quốc gia có thu nhập cao. Điều đó có nghĩa là nước này sẽ phải dồn nhiều nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội trong tương lai. Hơn nữa, quan hệ đi xuống với Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ có nghĩa là Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận các công nghệ hiện đại của Mỹ và đồng minh. Nhận thấy không còn nhiều thời gian, Trung Quốc có thể sẽ tích cực thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của mình trong thời gian tới, đồng nghĩa với tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu N. T., chuyên về quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Nguồn: RFI/Thu Hằng