Người Mỹ gốc Cuba tụ họp để ủng hộ những người dân Cuba đang sống dưới chế độ cộng sản
July 20, 2021
Một người đàn ông cầm biểu ngữ “Tự do cho Cuba” trong Cuộc biểu tình Tự do thể hiện sự ủng hộ dành cho những người Cuba biểu tình chống lại chính phủ của họ, tại Tháp Tự do ở Miami, Florida, hôm 17/07/2021. (Ảnh: Eva Marie Utzcategui/AFP/Getty Images)
Hôm 19/07, Cư dân Nam California đã xuống đường ở Los Angeles, đòi tự do thoát khỏi chế độ cộng sản của Cuba.
Bà Ana Landrian nói với The Epoch Times: “Thật ấm lòng khi chứng kiến sự ủng hộ mà chúng tôi có ở đây. Một số đứa trẻ chưa từng đến Cuba, nhưng chúng vẫn ở đó với cả quốc kỳ của Cuba và Hoa Kỳ để yêu cầu tự do.”
Cuộc biểu tình vào buổi chiều này đã quy tụ khoảng 1,000 cư dân đến góc Đại lộ Wilshire.
Bà Landrian cho biết bà rất biết ơn những ai đã đến ủng hộ Cuba trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại nước này.
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Cuba hôm 11/07, khi người dân tràn xuống khắp đường phố, hô vang “tự do” và tố cáo tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, cắt điện và các hành vi lạm dụng khác của chế độ cộng sản tại nước này.
Những cuộc biểu tình như vậy hiếm khi xảy ra ở đảo quốc hà khắc này. Cuộc biểu tình [quy mô lớn] diễn ra sau một vài cuộc tập hợp nhỏ hơn của các nhà hoạt động trong những tháng gần đây, những người đã chỉ trích việc giam giữ các nghệ sĩ và yêu cầu quyền tự do ngôn luận.
Bà Landrian nói: “Biểu tình diễn ra khắp nơi trên hòn đảo. Mọi người ra đường, và quý vị nhìn thấy họ đeo mặt nạ, quý vị biết đấy đây là những gì đang diễn ra… và họ chỉ đang kêu gọi quyền tự do, và điều đáng buồn nhất nhưng đẹp đẽ nhất là hầu hết họ đều là những người trẻ tuổi, dưới 30 tuổi. Những người được sinh ra dưới chế độ của họ là những người đang kêu gào đòi tự do, và họ không ngừng nói rằng đây không phải là về lệnh cấm vận, đây không phải về COVID, đây là về quyền tự do.”
Lệnh cấm vận của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã có những hạn chế thương mại đối với Cuba trong nhiều thập kỷ, khiến một số người nói rằng lệnh cấm vận là điều sai lầm gây ra tình hình hiện tại.
Tuy nhiên, những người Mỹ gốc Cuba thì lại nói khác.
“Có rất nhiều tuyên truyền về lệnh cấm vận này, nhưng vấn đề chính yếu ở đây là hệ thống cộng sản, chế độ độc tài hà khắc,” cư dân Santiago Martin nói với The Epoch Times.
Anh Martin tiếp tục, “Việc nói rằng lệnh cấm vận có trách nhiệm đối với tình trạng của người dân Cuba không phải là một tuyên bố chính xác. Vậy là gì, chính là hệ thống cộng sản thối nát, và họ chọn tiêu tiền vào đâu. Họ đã sử dụng tiền của họ cho quân sự. Họ đã dùng tiền để bảo đảm an ninh, tức là giữ cho người dân ở đúng vị trí. Nếu quý vị nhìn vào những người biểu tình, họ không có vũ khí, họ không có bất cứ thứ gì khác ngoài điện thoại di động. Chính quyền đã tập hợp những đội quân được trả tiền này lại, phát gậy gộc và thả cho chúng muốn làm gì người dân thì làm.”
Anh Martin đã cảnh báo về “tin giả” xoay quanh lệnh cấm vận, tuyên bố đó không phải là nguyên nhân của cuộc biểu tình ở Cuba.
Anh cho biết, “Tình cảnh là tuyệt vọng. Những người trên đường không hề nói rằng hãy dỡ bỏ lệnh cấm vận, gửi tiền cho chúng tôi, gửi cho chúng tôi thực phẩm và những loại vaccine đó. Mà họ đang nói, chúng tôi muốn tự do… không ai nói về lệnh cấm vận cả, chỉ có chính quyền nói về lệnh cấm vận vì họ đang muốn làm chệch hướng [dư luận] mà thôi.”
“Nếu quý vị được dỡ bỏ lệnh cấm vận hôm nay, hệ thống độc đảng vẫn còn. Họ sẽ không có quyền tự do ngôn luận. Thật nực cười khi cố đổ lỗi cho lệnh cấm vận, chẳng có lệnh cấm vận nào trên toàn thế giới cả. Họ có thể giao dịch với 180 quốc gia.”
Lần cuối anh Martin trò chuyện với các thành viên trong gia đình vẫn đang ở Cuba là cách đây vài ngày, vì thông tin liên lạc vẫn tiếp tục không ổn định kể từ khi chính phủ ngắt dịch vụ Internet. Anh cho biết gia đình anh ấy sợ nói chuyện vì liên lạc của họ bị giám sát.
Quá khứ đầy cảm xúc
Câu chuyện của bà Landrian bắt đầu ở Cuba dưới chế độ của ông Fidel Castro.
Năm 1961, cha bà làm thủ tục rời khỏi đất nước, đến năm 1969 gia đình bà được chấp thuận rời đi.
Ba năm trước khi họ rời đi, vào năm 1966, cha của bà Landrian bị đưa đi làm việc tại một trại tập trung. Hàng ngày, mẹ bà sống trong nỗi lo sợ rằng mình cũng sẽ bị bắt đi và những đứa con của bà sẽ bị bỏ lại hoặc bị đẩy vào một cuộc cách mạng.
Lớn lên, bà Landrian đã chứng kiến sự áp bức của chế độ cộng sản khi mẹ bà bị cấm làm việc và bà đã [phải] học tư tưởng cộng sản trong lớp học.
Bà nhớ lại cái ngày khi một người đàn ông đi xe máy đến nhà bà và nói với họ rằng đã đến lúc phải rời đi.
Khi họ dự định rời đi vào năm 1969, bà Landrian cùng gia đình vui mừng đón cha bà từ trại tập trung, nơi bà vẫn nhớ niềm hạnh phúc vỡ òa khi bạn bè của ông nhìn thấy ông cuối cùng đã được đi khỏi [Cuba].
“Đó không phải là một câu chuyện dành cho tôi, đó không phải là một câu chuyện cổ tích,” bà nói khi nhớ lại quá khứ đau buồn của mình. “Đó chính là một phần câu chuyện mà thậm chí tôi thấy khó [để kể ra], người ta không tin chúng tôi khi chúng tôi kể ra câu chuyện này… đó không phải là bịa đặt, nó đã xảy ra với tôi.”
Nguồn: Vanessa Serna @ePochTimes
Hồng Ân biên dịch