Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 22, 2024

Bắc Kinh phục kích các nhà đầu tư Hoa Kỳ sau đợt IPO của Didi


Một logo của Didi Chuxing ở Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, vào ngày 04/09/2018. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh đã gây áp lực với các nhà đầu tư Hoa Kỳ một lần nữa khi hãng gọi xe khổng lồ Didi Chuxing (Didi) trở thành mục tiêu mới nhất của một chiến dịch đàn áp của chế độ cộng sản chỉ vài ngày sau khi ra mắt trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York.

Hôm 02/07, một cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc thông báo rằng họ đang tiến hành xem xét Didi. Các quan chức đã cấm nền tảng gọi xe này khỏi các cửa hàng ứng dụng trực tuyến, khi nói rằng công ty này đã thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân một cách bất hợp pháp.

Thông báo này được đưa ra sau khi Didi huy động được 4.4 tỷ USD từ các nhà đầu tư toàn cầu trong một trong những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất ở Hoa Kỳ trong thập kỷ qua. Cổ phiếu của Didi bắt đầu giao dịch ở mức 16.65 USD/cổ phiếu vào ngày 30/06.

Hôm 06/07, các nhà đầu tư đã phản ứng khi thị trường mở cửa sau kỳ nghỉ lễ dài cuối tuần. Cổ phiếu của Didi Global Inc. (NYSE: DIDI) giảm hơn 20% trong phiên giao dịch buổi sáng tại New York, mất hơn 15 tỷ USD giá trị thị trường.

Các luật sư Hoa Kỳ hiện đang chuẩn bị các vụ kiện tập thể về vụ IPO của Didi để bù đắp các khoản lỗ mà những nhà đầu tư phải gánh chịu.

Được mệnh danh là “Uber của Trung Quốc,” công ty này chiếm thị phần lớn nhất trong nước. Những người ủng hộ nổi bật của hãng này bao gồm các đại công ty công nghệ Trung Quốc Alibaba và Tencent, SoftBank, Toyota và Uber của Nhật Bản.

Nền tảng gọi xe chung không phải là công ty duy nhất đối mặt với sự phẫn nộ của Trung Cộng. Hôm 05/07, cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc đã có hành động chống lại nhiều công ty công nghệ Trung Quốc hơn sau khi họ được niêm yết tại New York gần đây.

Chính phủ đã mở các cuộc rà soát an ninh mạng vào hai công ty con của Full Truck Alliance Co. (NYSE: YMM), còn được gọi là Manbang. Công ty khởi nghiệp này, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư bao gồm SoftBank và Tencent, đã huy động được 1.6 tỷ USD trong đợt phát hành ra công chúng hồi tháng 06/2021.

Các cơ quan quản lý cũng đang điều tra Công ty TNHH Kanzhun (NASDAQ: BZ), được gọi là Boss Zhipin. [Công ty về] nền tảng tuyển dụng trực tuyến này, cũng được hỗ trợ bởi Tencent, đã huy động được hơn 900 triệu USD trong đợt niêm yết trên NASDAQ hồi tháng trước (06/2021).

Cùng với cổ phiếu Didi, [giá] cổ phiếu của Full Truck Alliance, Kanzhun, Tencent và các hãng công nghệ Trung Quốc khác đều giảm trong ngày 06/07.

Cuộc đàn áp gần đây là một lời nhắc nhở rõ ràng cho các nhà đầu tư rằng Trung Cộng vẫn chịu trách nhiệm về khu vực tư nhân đang phát triển của Trung Quốc.

Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một chuyên gia về Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng, “Họ đang yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tư nhân phải nghe theo những gì Đảng nói, nếu không các doanh nghiệp sẽ không có tương lai.”

Didi đã bị cáo buộc chuyển dữ liệu nhạy cảm sang Hoa Kỳ. Ông Li Min, phó chủ tịch của Didi, gọi những suy đoán này là “tin đồn ác ý.”

Ông Li viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 03/07 rằng, “Giống như hầu hết các công ty Trung Quốc niêm yết ở ngoại quốc, Didi lưu trữ dữ liệu người dùng Trung Quốc của mình trên các máy chủ ở Trung Quốc, và chúng tôi sẽ không có cách nào giao dữ liệu cho Hoa Kỳ.” 

Didi được thành lập tại Bắc Kinh vào năm 2012 bởi cựu giám đốc Alibaba Cheng Wei và đã trở thành số 1 trong thị trường gọi xe của Trung Quốc. Công ty này đã tìm cách buộc Uber phải rời khỏi thị trường Trung Quốc đại lục cách đây 5 năm. Vào cuối tháng 03/2021, ứng dụng của Didi có khoảng 493 triệu người dùng thường xuyên trong năm trước (2020).

‘Họ chỉ muốn tiền’

Bất chấp việc tăng cường chính sách giám sát xung quanh các hãng công nghệ của Trung Quốc và căng thẳng chính trị đang diễn ra giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc đang đổ xô vào niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ.

Theo dữ liệu của Dealogic, trong nửa đầu năm nay, 34 công ty từ đại lục và Hồng Kông đã huy động được một kỷ lục 12.4 tỷ USD bằng cách [niêm yết cổ phiếu] ra công chúng tại Hoa Kỳ. Và các ngân hàng đầu tư hàng đầu của Wall Street đã kiếm được hơn 450 triệu USD phí hỗ trợ các đợt IPO của Trung Quốc.

Ngay cả khi Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu thắt chặt việc kiểm soát đối với các công ty có trụ sở tại Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, các công ty này vẫn tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn của Hoa Kỳ. Thêm hàng chục công ty Trung Quốc dự kiến ​​sẽ niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ trong năm nay.

Tuy nhiên, sự giám sát quy định ngày càng tăng từ Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn gần đây đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Theo Financial Times, gần 70% các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Hoa Kỳ trong năm nay đã mất giá kể từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Ví dụ, cổ phiếu của RLX Technology (NYSE: RLX), nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã giảm mạnh hơn 70% kể từ khi IPO, khi các nhà quản lý [của Trung Quốc] công bố các hạn chế đối với thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá khác.

Ông Chris Iacovella, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ, cho biết trong một email rằng, “Trung Cộng đã và sẽ tiếp tục kiểm soát mọi công ty Trung Quốc, và Wall Street không quan tâm đến mối nguy hiểm mà rủi ro này gây ra cho các nhà đầu tư Mỹ.”

Ông nói với The Epoch Times rằng, “Cũng khó hiểu bằng cách nào mà các công ty do Trung Cộng kiểm soát tiếp tục [được] giao dịch trên các thị trường của chúng ta, đặc biệt là sau những gì đã xảy ra với Alibaba vào tháng 12/2020 và bây giờ là Didi. Thời điểm sau IPO mà Trung Cộng sử dụng để kiểm soát Didi nên đặc biệt đáng lo ngại đối với các nhà quản lý.”

Đợt chào bán cổ phiếu gần đây của Didi là đợt IPO lớn nhất của Trung Quốc kể từ khi Tập đoàn Alibaba huy động được 25 tỷ USD vào năm 2014.

Alibaba cũng phải chịu những tổn thất lịch sử sau khi các cơ quan quản lý tiến hành một cuộc điều tra bên trong công ty vào cuối năm ngoái (2020). Nhà sáng lập Jack Ma của công ty đã mất tích vài tháng do hậu quả của cuộc đàn áp.

Ông Frank Tian Xie, giáo sư kinh doanh tại Đại học South Carolina–Aiken, cho biết cũng rất “thú vị” khi các cơ quan quản lý đã khởi động cuộc điều tra Didi hôm 02/07, ngay sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập của Trung Cộng.

Ông nói với The Epoch Times rằng, “Họ chắc chắn đã lên kế hoạch này từ lâu, nhưng có chủ ý đợi đến sau lễ kỷ niệm 100 năm của Đảng mới thực hiện.” Vài ngày giữa đợt IPO của Didi và cuộc điều tra có nghĩa là Didi [kịp] có thời gian để huy động tiền, do đó khiến cuộc đàn áp trở thành một đòn chí mạng hơn.

Ông cho biết cũng có thể là một số nhà chức trách Trung Quốc không cảm thấy họ thu được đủ chiến lợi phẩm từ lợi nhuận của Didi.

“Mục tiêu của Trung Cộng không thực sự là vì an ninh quốc gia, họ chỉ muốn tiền.”

Nguồn: Emel Akan và Eva Fu @ePochTimes
Kim Liên biên dịch

Tags:

Click to listen highlighted text!