Đảng Cộng Sản Trung Quốc toàn trị trong thế công chống các nền dân chủ
July 1, 2021
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh-Trung Quốc) ngày 01/07/2021. AP – Ng Han Guan.
Sự kiện Trung Quốc rầm rộ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản là chủ đề được hầu như toàn bộ báo Pháp ra ngày hôm nay 01/07/2021 chú ý, bên cạnh mối lo càng lúc càng tăng về nguy cơ biến thể Delta của virus gây dịch Covid-19 lan rộng, cũng như đợt nắng nóng chết người đang đè nặng trên miền Tây Canada và vùng tây bắc nước Mỹ..
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc là đề tài trang nhất trên hai tờ La Croix và Les Echos, với nhiều bài phân tích, đánh giá khác nhau cùng với phần xã luận. Trên một số tờ báo còn lại, dù không được nêu lên trang nhất, nhưng sự kiện này đã được nhấn mạnh trong nhiều bài viết bên trong.
La Croix: Trung Quốc và tham vọng bành trướng
Đối với nhật báo Công Giáo La Croix, nhân dịp Đảng Cộng Sản Trung Quốc mừng sinh nhật thứ 100 câu hỏi cần phải đặt ra là “Trung Quốc sẽ đi đến tận đâu?” – tựa lớn chiếm gần như toàn bộ trang nhất.
Theo La Croix, các hoạt động chào mừng nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc là dịp để Bắc Kinh phô trương sức mạnh, sự gắn kết và uy lực kinh tế. Ở trong nước, với 91 triệu thành viên, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ xã hội, và tiếp tục bám rễ vào tất cả các thể chế của đất nước.
Còn ở nước ngoài, theo tờ báo Công Giáo Pháp, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang triển khai một chiến lược gây ảnh hưởng không thể cưỡng lại, trong khi càng lúc càng thúc đẩy một sự cạnh tranh đáng lo ngại với các nền dân chủ.
Trong bài phân tích dài bên trong mang tựa đề: “Kinh tế, ngoại giao… Trung Quốc ở trong thế công”, La Croix điểm qua một loạt những động thái ngày càng hung hăng của Bắc Kinh đang khiến các nền dân chủ phương Tây lo ngại, đặc biệt trên vấn đề Đài Loan.
Tờ báo nhận thấy là ở nước ngoài, chính sách ngoại giao “chiến lang” hiếu chiến đã cho thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc dưới quyền của Tập Cận Bình. Đảng Cộng Sản Trung Quốc giờ đây không còn e ngại khi phải phô trương cơ bắp để đạt được “giấc mơ Trung Hoa”.
Nhà sử học Pháp Michel Bonnin lo lắng ghi nhận: “Hệ thống toàn trị này đang lao về phía trước, với Tập Cận Bình mong muốn khôi phục quyền lực đế quốc Trung Hoa của những năm xưa”.
Theo La Croix, dự án khổng lồ “những con đường tơ lụa mới” đánh dấu mong muốn bành trướng ra toàn cầu của Trung Quốc. Được triển khai ban đầu trên lục địa Á-Âu và các vùng biển lân cận, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng này hiện bao gồm cả Trung Đông và Châu Phi, vươn rộng đến Châu Đại Dương, Bắc Cực và gộp luôn cả các nước Châu Mỹ Latinh.
Đối với tờ báo, đây hoàn toàn không phải là một dự án vô vị lợi, mà đằng sau vỏ hào phóng là một loạt mục tiêu địa lý chiến lược.
Theo bà Nadège Rolland, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề chiến lược châu Á thuộc trung tâm National Bureau of Asian Research, thì chính sách bành trướng đó đã “chuyển thành các phiếu bầu tại Liên Hiệp Quốc về các vấn đề liên quan đến lợi ích của Trung Quốc, bao gồm cả nhân quyền, mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc không coi là một quyền phổ quát”.
Một ví dụ rõ nét: Đã có 46 quốc gia ủng hộ cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Sau Hồng Kông sẽ là nền dân chủ Đài Loan?
Một vấn đề nổi cộm khác được La Croix nêu bật: “Sau Hồng Kông, mà mọi sự có vẻ như đã an bài, vấn đề Đài Loan đang gây lo ngại, với câu hỏi là liệu Bắc Kinh có tìm cách thâu tóm bằng võ lực vùng lãnh thổ bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc coi là một tỉnh nổi loạn hay không?
Theo Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á tại Viện Montaigne thì: “Gọng kềm đang siết chặt lại, nhưng một cuộc chiến tranh xâm lược không phải là một lựa chọn vì Trung Quốc không chắc thắng. Cái giá phải trả sẽ quá cao và không có gì đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp”.
Tuy nhiên một số chuyên gia khác vẫn lo ngại trước nguy cơ Bắc Kinh lỡ đà. Trước các động thái của Trung Quốc khiêu khích Đài Loan bằng quân sự càng lúc càng tăng cường độ, chuyên gia Marianne Peron-Doise thuộc Viện Irsem cảnh báo: “Vấn đề với sự leo thang quân sự này là phải dừng lại ở một điểm hoặc đi xa hơn”.
Còn đối với bà Nadège Rolland, luận điệu hiếu chiến của Trung Quốc không có giới hạn: “Được chủ nghĩa dân tộc trong nước kích động, chế độ của ông Tập đang bị sự sống còn của mình ám ảnh. Nếu cần phải hành động đối với Đài Loan, thì ông ta sẽ làm”.
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Michel Bonnin, giám đốc nghiên cứu tại trường EHESS cho biết thêm: “Trong môt chế độ mà toàn bộ quyền lực tập trung trong tay Tập Cận Bình, không còn ai dám mâu thuẫn với ông ta, khiến ông ta có thể mất đi ý niệm về thực tế và đưa ra những quyết định mạo hiểm”.
Đừng mù quáng mà cần thấy rõ bản chất toàn trị của Trung Quốc
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn là “Toàn trị”, La Croix ghi nhận chua chát là Bắc Kinh ngày nay có thể tự hào về kết quả tốt cả về kinh tế và trong cuộc chiến chống Covid, nhưng với cái giá là người dân bị giám sát trên diện rộng, quyền tự do bị tước bỏ, các sắc dân thiểu số bị di dời.
Vấn đề, theo tờ báo Pháp, là trong thời gian gần đây, tuyên truyền của chế độ không chỉ nhắm vào người dân trong nước, mà trên mạng xã hội, các bộ trưởng và đại sứ Trung Quốc không còn bận tâm che giấu sự khinh thường mô hình dân chủ, thái độ hung hăng thường thay cho các mưu toan cám dỗ trước đây.
Đối với La Croix, phương Tây cần phải nhận thức rõ ràng về bản chất của chế độ Bắc Kinh, và bây giờ là lúc để nhớ lại rằng trong những năm gần đây, Liên Hiệp Châu Âu đã xem Trung Quốc vừa là “đối tác”, vừa là “đối thủ mang tính hệ thống”, và không nên mù quáng trước bản chất độc tài toàn trị của môt chế độ tại một đất nước vừa là một cường quốc vừa là một nền văn minh vĩ đại.
Les Echos: Trung Quốc thịnh vượng không phải là nhờ Đảng
Dù không phải là tựa chính, nhưng sinh nhật thứ 100 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng được nhật báo kinh tế Les Echos đưa lên trang nhất, với một tấm ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giơ tay chào bên trên một tấm băng đỏ mô phỏng một biểu ngữ tuyên truyền viết bằng chữ trắng “Đảng Cộng Sản Trung Quốc đón mừng 100 tuổi của mình”.
Bên dưới tiêu đề trên, Les Echos đã giới thiệu bài phân tích về “Cách thức Tập Cận Bình đã làm sống lại tư tưởng của Mao”, kèm theo một bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Pháp Jean Pierre Cabestan nêu bật “Cách thức Đảng viết lại lịch sử”. Bài báo thứ ba là một điều tra về điều gọi là “Du lịch đỏ đang trong hồi phát triển mạnh”.
Bài xã luận của tờ báo kinh tế Pháp rất độc đáo với ghi nhận là sự thịnh vượng mà người Trung Quốc hiện nay có được không phải là nhờ ơn Đảng là là nhờ ơn thị trường. Thế mà nước này lại tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản một cách hoành tráng, phớt lờ ngày kỷ niệm quan trọng nhất: đó là ngày mà Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cách đây đúng hai mươi năm.
Đối với Les Echos, nhiều năm tuyên truyền ròng rã đã khuyến khích người Trung Quốc cho rằng chính chế độ đã giúp xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực và thúc đẩy tăng trưởng theo cấp số nhân. Thế nhưng những thành công này, trước hết đến từ sự đón nhận mà thế giới đã dành cho Trung Quốc, bằng cách liên kết nước này với cuộc chơi lớn của thương mại thế giới.
Còn báo Le Monde thì tiếp tục loạt ba bài đặc biệt về sinh nhật thứ 100 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bài thứ hai hôm nay là một ký sự lý thú chiếm trọn hai trang báo khổ lớn mang tựa đề “Trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản, ước mơ tột đỉnh của thành phần ưu tú đỏ tại Trung Quốc”.
Theo tờ báo, với 92 triệu thành viên và các tiêu chí kết nạp hà khắc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc – mà đa số hiện nay đều là những người tốt nghiệp đại học – đang duy trì một quyền khống chế cực kỳ chặt chẽ trên dân chúng.
Le Monde nhận thấy đây là một chiến lược do chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra, đoạn tuyệt với đường lối của các lãnh đạo tiền nhiệm.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa