Chuyên gia: Sự cai trị của ĐCSTQ có thể bị chấm dứt bằng một cuộc đảo chính
June 24, 2021
Ông Roger Garside (cựu quan chức ngoại giao Anh, chuyên gia về Trung Quốc) cho biết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không hùng mạnh như những gì mà chế độ này vẫn “tô vẽ”. Trên thực tế, nhiều vấn đề nội bộ đang tồn tại sẽ dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ.
Những vấn đề này đã được một số quan chức cấp cao của ĐCSTQ nhận ra, và họ có thể dẫn đầu một cuộc đảo chính nhằm loại bỏ nhà lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại là ông Tập Cận Bình nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình, theo ông Roger Garside, tác giả của cuốn “China Coup: The Great Leap to Freedom (Tạm dịch: Đảo chính tại Trung Quốc: Bước nhảy vọt tới Tự do)”, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “American Thought Leaders” của Epoch TV.
“Họ có thể quan sát một cách rõ ràng hơn những gì mà hầu hết mọi người có thể thấy, rằng chế độ này chỉ hùng mạnh ở bề ngoài nhưng bên trong lại suy yếu. Và rằng nó đang ở trong tình trạng suy thoái về chính trị”, ông Garside nói.
“Và hy vọng tốt nhất của họ để duy trì sự giàu có và quyền lực của chính mình, cũng như hy vọng tốt nhất cho Trung Quốc, là dẫn đầu một cuộc đảo chính nhằm loại bỏ ông Tập Cận Bình và đưa Trung Quốc vào một quá trình chuyển đổi dân chủ”.
Những vấn đề này không phải gây ra bởi “các thế lực bên ngoài” hay “các thế lực chống Trung Quốc”, thứ mà ĐCSTQ thường đổ lỗi là nguyên nhân của những tai họa xảy ra ở Trung Quốc. Thay vào đó, các vấn đề đã được tạo ra bởi hệ thống chính trị của chính ĐCSTQ, một chế độ độc tài toàn trị, ông Garside cho hay.
“Họ [ĐCSTQ] trở nên suy yếu bên trong nội bộ bởi sự tồn tại của một cuộc khủng hoảng đạo đức ở Trung Quốc. Tại đó có một hệ thống tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Nhưng điểm yếu lớn nhất lại nằm ở vấn đề về kinh tế”, ông Garside cho biết thêm.
Theo ông Garside, sự suy đồi đạo đức ở Trung Quốc bắt đầu sau khi ĐCSTQ gây ra vụ Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn. ĐCSTQ đã bắt đầu thực hiện “chiến dịch tư nhân hóa trên quy mô lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến” nhằm sử dụng “động cơ về vật chất” để mọi người trung thành dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Vào tháng 6/1989, ĐCSTQ đã ra lệnh cho quân đội nổ súng vào những sinh viên biểu tình và dân thường không có vũ khí tại Quảng trường Thiên An Môn. ĐCSTQ sau đó đã phủ nhận việc khởi xướng một cuộc đàn áp bạo lực, và bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan phong trào biểu tình này đều bị coi là điều cấm kỵ không được nhắc đến ở Trung Quốc.
Các nguồn tin từ bên trong ĐCSTQ cho biết rằng có ít nhất 10.000 người đã thiệt mạng vào ngày hôm đó. “Chắc chắn có sự suy đồi và khoảng trống đạo đức; không có sự tin tưởng, không có sự thật”, ông Garside nói.
Nỗ lực tư nhân hóa của Bắc Kinh không dẫn đến nền kinh tế thị trường, mà là nền kinh tế chỉ huy (command economy) đã mở đường cho nạn tham nhũng diễn ra tràn lan ở Trung Quốc.
“Ngày nay, ở Trung Quốc không có sự minh bạch về quyền sở hữu đối với các công ty quốc doanh khổng lồ: ai kiểm soát chúng, ai thực sự sở hữu chúng, thậm chí cả công ty tư nhân, ai thực sự sở hữu và kiểm soát chúng. Tất cả điều này đều rất không minh bạch, và nếu có sự mờ ám trong các vấn đề về kinh tế và tài chính, thì có nghĩa là bạn đang tham nhũng”, ông Garside nói. “Và điều đó cho phép những người nắm quyền ở mọi cấp độ [ở Trung Quốc] trở nên giàu có và quyền lực”.
Trong những năm gần đây, nhiều quan chức cấp cao và cấp thấp của ĐCSTQ, cũng như các giám đốc điều hành cấp cao của các công ty nhà nước của Trung Quốc đã bị buộc tội thông đồng và tham ô. Một trong những cái tên nổi bật nhất liên quan đến việc tham nhũng là Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu giám đốc an ninh, người đã bị kết án tù chung thân vào năm 2015.
Ông Garside cho hay rằng tất cả các vấn đề của Trung Quốc nằm ở chỗ nền kinh tế của nước này không hùng mạnh như ĐCSTQ vẫn quảng cáo.
“Kể từ năm 2008, họ [chính quyền Trung Quốc] đã dựa vào việc bơm hàng tỷ USD tín dụng vào hệ thống để duy trì tốc độ tăng trưởng cao một cách giả tạo. Và dòng tiền này đã dẫn đến rất nhiều hoạt động kinh tế/phi kinh tế sai lệch, và sự mong manh trong hệ thống tài chính”, ông nói.
Garside cho biết, thay vì trông đợi vào những thay đổi chính trị ở Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của họ nên có thái độ chủ động, chẳng hạn như giúp hạ gục “Vạn lý Tường lửa (Great Firewall)” của ĐCSTQ, vốn được biết đến là công cụ giúp chế độ này chặn quyền truy cập vào nhiều trang web và mạng xã hội nước ngoài.
“ĐCSTQ dễ bị suy yếu. Nhưng tôi không tin rằng chế độ toàn trị này sẽ bị sụp đổ chỉ bởi những động lực đến từ bên trong Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng việc Mỹ và các đồng minh của họ tiến hành cuộc tấn công là điều hoàn toàn cần thiết,” ông nói.
Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ sâu sắc, đặc biệt là trên các mặt trận về kinh tế và xã hội, vậy nên, Mỹ không thể chỉ ngồi yên và đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc. “Nếu chúng ta không phản công lại chế độ đầy tham vọng và nguy hiểm này, chúng ta sẽ mất đi sự tự do”, ông Garside nói.
“Chúng tôi không thể chỉ ngồi đó và nói rằng, lẽ phải thuộc về chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện tốt hơn công việc vận hành đất nước của mình. Đúng thế, chúng tôi phải làm điều đó. Nhưng chúng tôi cũng phải tìm ra các lỗ hổng. Chúng tôi phải giáo dục mọi người về mối nguy hiểm mà mình phải đối mặt”.
Nguồn: Phan Anh @ trithucvn