NATO khẳng định lập trường về chế độ Trung Cộng, tuyên bố Bắc Kinh đặt ra ‘thách thức mang tính hệ thống’
June 15, 2021
Người đứng đầu của chính phủ và các quốc gia NATO chụp ảnh trong hội nghị thượng đỉnh tại trụ sở của Liên minh NATO ở Brussels, Bỉ hôm 14/6/2021 (Ảnh: Yves Herman/Pool/Reuters)
Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ lần đầu tiên đối đầu với tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Cộng, liên minh 30 quốc gia phương Tây này cho biết hôm 14/06, mô tả Bắc Kinh đang đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với trật tự toàn cầu.
Ngôn từ này, trong thông cáo chung cuối cùng được công bố sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh một ngày ở Brussels, báo hiệu một sự hội tụ đang phát triển ở phương Tây, nhận ra các mối đe dọa khác nhau do Bắc Kinh gây ra.
Sự việc diễn ra một ngày sau khi Nhóm G-7, gồm bảy quốc gia giàu nhất thế giới, đưa ra tuyên bố chỉ trích những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương và Hồng Kông, cũng như những hoạt động kinh tế không công bằng của chế độ này.
Thông cáo 79 điểm cho biết: “Những tham vọng và hành vi quả quyết đã nêu của Trung Quốc đưa ra những thách thức có tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh.”
NATO cũng cho biết ảnh hưởng ngày càng tăng và các chính sách quốc tế của chế độ này có thể đưa đến “những thách thức mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết trong tư cách là một Liên minh.”
Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của cựu Tổng thống Donald Trump nhưng nhấn mạnh việc đưa các đồng minh cùng tham gia để mang đến một mặt trận thống nhất chống lại chế độ này.
Ông Biden cũng nói với các đồng minh Âu Châu rằng sự phòng thủ của họ là “nghĩa vụ thiêng liêng” đối với Hoa Kỳ.
“Điều số Năm là một nghĩa vụ thiêng liêng,” ông Biden nói, đề cập đến cam kết phòng thủ tổng hợp của liên minh xuyên Đại Tây Dương. “Tôi muốn toàn thể Âu Châu biết rằng Hoa Kỳ đang ở đó.”
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc từ các nước Baltic đến Phi Châu đồng nghĩa với việc vũ khí nguyên tử của NATO phải được chuẩn bị sẵn sàng.
“Trung Quốc đang tiến gần chúng ta hơn. Chúng ta nhìn thấy họ trong không gian mạng. Chúng ta thấy Trung Quốc ở Phi Châu. Nhưng chúng ta cũng chứng kiến Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chính chúng ta,” ông nói, khi đề cập đến vấn đề cảng và mạng viễn thông. “Chúng ta cần hưởng ứng cùng nhau như một liên minh.”
Tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của liên minh trước khi từ chức hồi tháng Chín, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi “cân bằng” trong cách tiếp cận với chế độ này và tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh.
“Nếu quý vị xem xét các mối đe dọa qua mạng và các mối đe dọa khác, nếu quý vị xem xét sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, thì quý vị không thể chỉ đơn giản là phớt lờ Trung Quốc,” bà Merkel nói với các phóng viên. “Nhưng cũng không được đánh giá quá cao-chúng ta cần phải tìm ra sự cân bằng phù hợp.
“Trung Quốc là đối thủ của chúng ta trong nhiều lĩnh vực nhưng cũng là đối tác của chúng ta về nhiều khía cạnh mà chúng ta đã nói rõ hôm qua tại G-7.”
Mặc dù Liên minh Âu Châu đã chỉ định Bắc Kinh là “đối thủ mang tính hệ thống,” các chính phủ trong khu vực nhìn chung đã tụt hậu so với Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong việc nhận ra và phản ứng trước các hành động ác ý của Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Âu Châu trước đây cũng bày tỏ sự lưỡng lự trong việc cùng Hoa Kỳ đối đầu với Bắc Kinh. Các nhà phân tích nói rằng điều này một phần là hệ quả của mối liên hệ kinh tế sâu sắc của khu vực này với Trung cộng.
Ví dụ như, theo số liệu của chính phủ Đức, tổng kim ngạch thương mại giữa Đức với Trung Quốc vào năm 2020 là hơn 212 tỷ euro (256,82 tỷ USD), khiến Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại đứng đầu của họ.
Nguồn: Cathy He @ePochTimes
Với sự đóng góp của Reuters
Thiện Lan biên dịch