Chính quyền Hồng Kông gia tăng trấn áp những tiếng nói dân chủ
May 28, 2021
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Ngô Văn Viễn (Avery Ng) khi bị cảnh sát hộ tống đến tòa án Hồng Kông ngày 28/05/2021. AP – Kin Cheung.
Thêm án tù đối với nhà tỷ phú đấu tranh dân chủ, cấm tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn, thông qua luật bầu cử sửa đổi để ngăn đối lập tranh cử, đó là những hành động cho thấy chính quyền Hồng Kông đang gia tăng trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến tại đặc khu hành chính này.
Hôm nay, 28/05/2021, chủ tập đoàn truyền thông cổ vũ cho dân chủ, Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã lãnh thêm bản án 14 tháng tù khi ra tòa cùng với 7 gương mặt hàng đầu khác của phong trào phản kháng. Trước đó, chính quyền Hồng Kông cũng đã gia tăng áp lực lên tập đoàn truyền thông của ông Lê Trí Anh, cụ thể là quan chức phụ trách an ninh của Hồng Kông, ông Lý Gia Siêu (John Lee), xác nhận đã gởi thư cho các công ty quản lý tài sản cho nhà tỷ phú, cảnh cáo họ là không được tiếp tục giữ quan hệ làm ăn với ông.
Bản án mới đối với nhà tỷ phú Lê Trí Anh được đưa ra sau khi chính quyền Hồng Kông hôm qua lại viện cớ đang có dịch Covid-19 để ra lệnh cấm tổ chức đêm canh thức tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp trên quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989. Đây là năm thứ hai liên tiếp, chính quyền đặc khu cấm sự kiện này, thường vẫn diễn ra tại công viên Victoria.
Trong nhiều năm qua, Hồng Kông và Macao là hai nơi duy nhất thuộc lãnh thổ Trung Quốc được phép tổ chức lễ tưởng niệm những người bị thảm sát khi quân đội Trung Quốc dìm trong biển máu phong trào biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989. Nhưng nay có vẻ như là đặc quyền này của người dân Hồng Kông và Macao sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn. Lệnh cấm tổ chức sự kiện này, trong năm thứ hai liên tiếp, là một bước mới trong việc Bắc Kinh gia tăng kiểm soát lên Hồng Kông sau các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính quyền đặc khu vào năm 2019.
Kể từ các cuộc biểu tình đó, Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông đã gia tăng trấn áp các tiếng nói đối lập, bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động dân chủ và áp đặt một đạo luật an ninh quốc gia rất khắc nghiệt lên đặc khu hành chính này.
Năm 2020, tuy chính quyền đặc khu lần đầu tiên ra lệnh cấm tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn, hàng ngàn người vẫn kéo đến quảng trường Victoria thắp nến và hát cho những người bị thảm sát. Vào lúc đó, không có ai bị bắt. Nhưng sau đó, hơn 20 người, trong đó có nhà hoạt động trẻ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) và cựu nghị sĩ Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), đã bị bắt và bị truy tố về tội tham gia một cuộc tập hợp không được phép. Ngày 06/05 vừa qua, Hoàng Chi Phong và ba nghị sĩ hội đồng quận đã lãnh án tù từ 4 đến 10 tháng vì vụ này.
Năm nay, chính quyền Hồng Kông đã cảnh cáo người dân đặc khu là không được tổ chức hoặc tham gia các cuộc tập hợp bị cấm vào ngày 4/6 tới, vì họ có thể bị xem là vi phạm luật an ninh quốc gia. Nhưng những người tổ chức thì kêu gọi dân Hồng Kông hôm đó vẫn cứ thắp một ngọn nến dù đang ở bất cứ nơi đâu.
Không chỉ ngăn chặn các cuộc tập hợp vì dân chủ, hoặc kết án tù những gương mặt hàng đầu của phong trào phản kháng, hôm qua, hội đồng lập pháp của Hồng Kông, theo lệnh của Bắc Kinh, đã thông qua một đạo luật sửa đổi luật bầu cử nhằm giảm số ghế nghị sĩ được bầu trực tiếp và tăng con số các nghị sĩ thân Bắc Kinh trong cơ quan lập pháp.
Cụ thể là tổng số ghế dân biểu trong hội đồng lập pháp từ 70 tăng lên thành 90, nhưng chỉ có 20 ghế là do cử tri Hồng Kông bầu trực tiếp, so với 35 ghế như hiện nay. Như vậy là những tiếng nói chỉ trích trên diễn đàn của cơ quan lập pháp Hồng Kông sẽ lại càng hiếm hoi, nếu không muốn nói là bị triệt tiêu hoàn toàn, vì kể từ nay rất khó mà một ứng cử viên đối lập được đắc cử. Một số nhà quan sát được hãng tin AFP trích dẫn nhận định là hệ thống bầu cử mới của Hồng Kông còn hạn chế hơn cả hệ thống bầu cử của nước Iran Hồi giáo độc đoán, nơi mà chỉ có các ứng viên được chính quyền chấp thuận mới được phép ra tranh cử.
Nguồn: RFI/Thanh Phương