Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Mỹ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương bất chấp Trung Quốc
May 26, 2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng, Washington D.C. Hoa Kỳ, ngày 21/05/2021. AP – Alex Brandon.
Dù không bị nêu đích danh trong bản tuyên bố chung Mỹ-Hàn ngày 21/05/2021 nhân chuyến công du Hoa Kỳ của TT Hàn Quốc Moon Jae In, nhưng Bắc Kinh hôm 24/05 đã phản ứng giận dữ, cảnh cáo hai nước là “không nên đùa với lửa”.
Theo giới phân tích, sở dĩ Bắc Kinh bực tức, đó là vì cả Seoul lẫn Washington đều nhấn mạnh đến nhu cầu thành lập một vùng “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, điều bị Trung Quốc cho là nhằm hạn chế tham vọng bành trướng của họ.
Dĩ nhiên Trung Quốc không thể nói trắng ra là họ chống lại chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đang triển khai, mà chỉ nêu bật một vài điểm cụ thể trong bản tuyên bố chung Biden-Moon để đả kích.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, phát biểu hôm 24/05 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bày tỏ thái độ “quan ngại” trước việc tuyên bố chung Mỹ-Hàn “đã đề cập đến các vấn đề như Đài Loan và Biển Đông”.
Nhân vật này xác định: “Vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề nội bộ, liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, do đó không thể bị bất kỳ thế lực bên ngoài nào xen vào”. Trung thành với kiểu cách hù dọa cố hữu, phát ngôn viên Trung Quốc đã “kêu gọi các nước có liên quan là nên thận trọng trong lời nói và hành động trên vấn đề Đài Loan và không nên đùa với lửa”.
Hai lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đã nói gì về Đài Loan mà đã khiến Trung Quốc bực bội như vậy? Về Đài Loan, bản tuyên bố chung chỉ nói đơn giản là hai vị tổng thống “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”. Nội dung câu nói rất bình thường, nhưng ý nghĩa quan trọng của sự kiện là vấn đề Đài Loan lần đầu tiên được Hàn Quốc và Hoa Kỳ cùng nêu lên.
Joe Biden kéo được Hàn Quốc vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương
Vấn đề khiến Bắc Kinh ấm ức rất có thể là thái độ bạo dạn hơn mà Hàn Quốc đã thể hiện nhân chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Moon Jae In, sẵn sàng tăng cường vai trò của mình để hỗ trợ đồng minh Hoa Kỳ trong việc thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, bất chấp thái độ quan ngại của Trung Quốc. Trong môt bài phân tích ngày 24/05/2021, chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã cho rằng về mặt thuyết phục Hàn Quốc, như vậy là tổng thống Mỹ đã thành công.
Theo The Diplomat, cuộc gặp thượng đỉnh ngày 21/05 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden với đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-In đã thể hiện một bước tiến quan trọng, không chỉ trong việc củng cố quan hệ song phương, mà còn thúc đẩy được Hàn Quốc nâng cao vai trò của mình trong chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Bản tuyên bố chung Mỹ-Hàn không ngần ngại xác định rõ rằng quan hệ Mỹ-Hàn vượt quá khuôn khổ của bán đảo Triều Tiên mà dựa trên các giá trị chung của hai nước đồng thời “củng cố các cách tiếp cận tương ứng của hai bên đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.”
Phối hợp chính sách Hướng Nam với tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương
Một cách cụ thể, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí dung hợp “Chính Sách Hướng Nam mới” của Hàn Quốc với tầm nhìn của Mỹ về một vùng “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, hợp tác với nhau để “tạo ra một khu vực an toàn, thịnh vượng và năng động”.
Đối với The Diplomat, việc đề cập đến Chính Sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc, tức là chiến lược Đông Nam Á của tổng thống Moon Jae In, trong cùng một câu với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, do Nhật Bản và Hoa Kỳ dẫn đầu, là một chi tiết rất quan trọng vì cho dù không nêu đích danh, nhưng cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đều xác định rõ ràng lập trường đối với Trung Quốc trong khu vực.
Đi sâu vào chi tiết, The Diplomat nêu bật hai hồ sơ được cả ông Biden lẫn ông Moon quan tâm và nói rõ trong bản tuyên bố chung: Sông Mêkông và Biển Đông. Đây là hai hồ sơ mà bóng dáng của Trung Quốc rất nặng nề.
Sông Mêkông: “Phát triển bền vững” chống “ngoại giao bẫy nợ“
Về sông Mêkông, nơi hoạt động xây đập của Trung Quốc đã gây ra quan ngại lớn đối với các láng giềng trong vùng trong những năm qua, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã nhất trí “xem xét các cơ hội cho những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, an ninh năng lượng và quản lý nguồn nước một cách có trách nhiệm ở tiểu vùng sông Mêkông”.
Theo The Diplomat, việc sử dụng các thuật ngữ như “phát triển bền vững” rất giống với chiến lược mà Nhật Bản áp dụng để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực khi thúc đẩy các hình thức “viện trợ chất lượng” nhằm thúc đẩy “tăng trưởng bền vững” (thay vì những gì Mỹ và Nhật Bản coi là ngoại giao ‘bẫy nợ‘ của Trung Quốc).
Tự do hàng hải trên Biển Đông
Ngoài vấn đề sông Mêkông, hai ông Moon và Biden cũng khẳng định cam kết đối với an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông: “Chúng tôi cam kết duy trì hòa bình và ổn định, thương mại hợp pháp không bị cản trở và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và hơn thế nữa”.
Về Biển Đông, không giống như Nhật Bản vốn đã tích cực hợp tác với các nước Đông Nam Á để chống lại những gì bị coi là hoạt động bành trướng của Trung Quốc, Hàn Quốc thường tránh can dự vào vấn đề này. Đối với chuyên san Nhật Bản, tuyên bố chung Mỹ-Hàn ngày 21/05 có thể là đã đánh dấu sự thay đổi trong lập trường của Seoul.
Hàn Quốc đã bớt sợ Trung Quốc ?
Câu hỏi mà The Diplomat đặt ra là phải chăng Seoul đã bớt lo ngại trước khả năng lại bị Bắc Kinh trừng phạt vì xích lại quá gần Washington, điều mà Hàn Quốc đã phải gánh chịu vào năm 2016 khi đồng ý cho Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ của mình.
Phải nói là các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với Hàn Quốc đã gây thiệt hại rất lớn. The Diplomat ghi nhận là chỉ tính riêng trong năm 2017, thiệt hại của Hàn Quốc do đòn trả đũa của Bắc Kinh được ước tính là 7,5 tỷ đô la, tương đương với 0,5% GDP.
Tâm lý bài Trung Quốc gia tăng
Thế nhưng các biện pháp bị cho là “bắt nạt“đó đã làm gia tăng tâm lý bài Trung Quốc tại Hàn Quốc trong những năm qua, một tâm lý càng nặng nề thêm do việc Trung Quốc xử lý vụ bùng phát dịch Covid-19, hay vụ Trung Quốc tự nhận mình mới là chủ của món kim chi. Tháng 4 vừa qua, đã có hơn nửa triệu công dân Hàn Quốc ký vào một bản kiến nghị trực tuyến trên trang web của phủ tổng thống để phản đối việc xây dựng một khu phố Tàu ở tỉnh Gangwon.
Đối với Washington, đây là một tin tốt vì hành động của Trung Quốc đóng vai trò là động lực thúc đẩy các đồng minh của Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương xích lại gần nhau hơn, dẫn đến một khối trên thực tế có thể đóng vai trò đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo The Diplomat, Hoa Kỳ hy vọng là Hàn Quốc sẽ tích cực tăng cường hợp tác với Nhóm Bộ Tứ Quad trong khu vực và có thể chính thức xin gia nhập nhóm.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa