Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 23, 2024

Đại dịch không ngăn được Trung Quốc phát triển quân đội


Các binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xếp hàng trong cuộc huấn luyện quân sự tại Dãy núi Pamir ở Kashgar, Trung Quốc, vào ngày 04/01/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống thường ngày trên khắp toàn cầu, nhưng đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), con virus này khó mà làm chùn tốc độ hiện đại hóa [của họ]. Nhìn chung, PLA vẫn đang trên đường đạt được các mục tiêu về hoàn thành “hoàn thành hiện đại hóa quân đội” vào năm 2035, và trở thành một đội quân “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049.

Ngay từ đầu, đại dịch đã không thực sự ảnh hưởng đến chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Vào năm 2021, Bắc Kinh có kế hoạch phân bổ 1.355 nghìn tỷ NDT (tương đương 202 tỷ USD) cho PLA. Con số này thể hiện mức tăng 6.8% so với chi tiêu quân sự năm 2020-vốn đã tăng 6.6% so với năm 2019.

Một điều chắc chắn rằng, tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã giảm đi phần nào so với thời kỳ hoàng kim của những năm 2000 và đầu những năm 2010, khi các mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm trung bình rơi vào khoảng 10 đến 15 phần trăm.

Tuy nhiên, trong thời đại mà lạm phát gần bằng không, thì mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm từ 6 đến 7 phần trăm là đáng chú ý, và không hề có dấu hiệu giảm bớt. Tất nhiên, không có nhân vật của công chúng nào ở Trung Quốc đang kêu gọi cắt giảm chi tiêu quân sự.

Thế nên, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vượt xa tất cả các quân đội của Âu Châu và của các nước Á Châu khác, bao gồm cả Nga, và trong thế kỷ 21, Trung Quốc đã trở thành quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới.

Hãy nhớ rằng, con số 202 tỷ USD này cũng chỉ là con số công bố chính thức-chi tiêu ngầm hoặc các chỉ số “sức mua tương đương-PPP” có thể bổ sung thêm hàng tỷ vào ngân sách quốc phòng “thực” của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là rất nhiều tiền đổ vào việc mua vũ khí mới và tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D) quân sự tiên tiến, và trên thực tế thì, đại dịch dường như không làm giảm đi chút nào tốc độ nhanh chóng của Trung Quốc trong việc đạt được các thành tựu quân sự.

Hoạt động đóng tàu quân sự đã đặc biệt phát triển. Chẳng hạn, vào cuối tháng Tư, PLA đã đặt làm đồng thời ba chiến hạm: mẫu hạm tấn công đổ bộ Hải Nam Type-075 (lớp Ngư Thần), tuần dương hạm Đại Liên mang hỏa tiễn dẫn đường Type-055 (lớp Nhân Hải) và một tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ tư Type-94 (lớp Tấn).

Ngành công nghiệp vũ trang Trung Quốc cũng đang bận rộn đóng các tàu khác, bao gồm một hàng không mẫu hạm thứ ba (và thậm chí có thể là thứ tư) cùng một vài khu trục hạm, khinh hạm và hộ vệ hạm mới. Phần còn lại của cơ sở công nghiệp-quân sự của Trung Quốc dường như cũng không bị ảnh hưởng gì, và việc tái cấp vốn và hiện đại hóa của PLA vẫn diễn ra không suy giảm.

Trên thực tế, có vẻ như bộ phận duy nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc bị ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch là lĩnh vực tàu ngầm động cơ diesel-điện (SSK) của nước này, có trụ sở tại Vũ Hán (“nơi khởi đầu” của đại dịch virus này).

Các nhà máy đóng tàu ở Vũ Hán đã tạm thời đóng cửa trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên, nhưng chúng đã sớm mở cửa trở lại và bắt đầu bù đắp cho khoảng thời gian đã mất (bao gồm cả việc đóng 8 chiếc SSK cho Pakistan).

Do đó, các nỗ lực phối hợp và mạnh bạo của Trung Quốc để cải tiến và mở rộng lực lượng quân sự của họ hầu như không bị chậm lại. PLA đang thực hiện chiến lược hiện đại hóa đường đôi (“xây dựng kép”) khổng lồ kéo dài nhiều thập kỷ về “cơ giới hóa và thông tin hóa.”

Phần đầu tiên của nỗ lực này đang sắp hoàn thành. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, PLA hiện sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và Lực lượng Không quân PLA gần như được trang bị lại hoàn toàn với các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư và thế hệ thứ năm mới, các phi cơ tiếp nhiên liệu không đối không, và các phương tiện vận tải tầm xa hiện đại.

Cho nên, PLA đang chuyển trọng tâm sang giai đoạn tiếp theo mà họ gọi là “chiến tranh trí năng hóa.” “Trí năng hóa” đặc biệt coi trọng trí tuệ nhân tạo (AI) như một hệ số sức mạnh trọng yếu, và do đó, Bắc Kinh đang có những đầu tư chiến lược vào AI để thu được lợi ích về an ninh quốc gia. Trung Quốc đang tìm cách sánh ngang với các nước dẫn đầu thế giới về AI khác vào đầu những năm 2020 và trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030.

Hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) đã trở thành một bộ phận chủ chốt của chiến lược này. MCF là một quá trình kết hợp giữa R&D quốc phòng với các đối tác thương mại của nước này, và chính sách này là một phần trong nỗ lực chiến lược dài hạn và mang tính “toàn xã hội” của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc lên vị trí “siêu cường công nghệ.”

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn sử dụng MCF để đặt nước này vào vị trí cạnh tranh về quân sự và kinh tế trong cuộc cách mạng công nghệ-công nghiệp vĩ đại tiếp theo. Do đó, MCF đã là một bộ phận không thể thiếu của gần như mọi sáng kiến công nghiệp hoặc công nghệ lớn của Trung Quốc, bao gồm cả “Made in China 2025” và “Kế hoạch Trí tuệ Nhân tạo Thế hệ Tiếp theo.”

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 gần như không ảnh hưởng đến tham vọng ngày càng toàn cầu hóa của Trung Quốc để trở thành siêu cường quốc lớn, và hậu thuẫn cho tham vọng đó là một quân đội hiện đại, đẳng cấp thế giới. Tăng trưởng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc không hề bị chậm lại, và Bắc Kinh vẫn có thể đưa rất nhiều tiền vào PLA.

Trung Quốc đã không tiết chế việc quân sự hóa Biển Đông của họ, mà còn đang mở rộng dấu chân quân sự của mình sang Ấn Độ Dương-bao gồm cả việc thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, thuộc vùng Sừng Phi Châu-và thậm chí có thể sang cả Đại Tây Dương (người đứng đầu Bộ tư lệnh Phi Châu của Hoa Kỳ gần đây khẳng định rằng PLA đang tìm kiếm một cảng quân sự trên bờ biển phía tây của Phi Châu).

Nhìn chung, PLA đang tiếp tục phát triển việc tăng cường khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) cho phòng thủ gần biển, với kỳ vọng bổ sung vào [chiến lược] này khả năng vươn sức mạnh ngày càng tăng vào các vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, và (cuối cùng là) Đại Tây Dương. Nỗ lực để trở thành cường quốc toàn cầu to lớn của Trung Quốc tiếp tục không suy giảm, và đại dịch COVID-19 hầu như không làm nản lòng chiến dịch đó.

Ông Richard A. Bitzinger là một nhà phân tích độc lập về an ninh quốc tế. Trước đây, ông là thành viên cao cấp của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông đã từng đảm nhận các công việc trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm cả việc Trung Quốc trỗi dậy như một cường quốc quân sự, vấn đề hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực này.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Nguồn: Richard A. Bitzinger@ePochTimes thực hiện
Hồng n biên dịch

Tags:

Click to listen highlighted text!