Đài Loan, bài toán nan giải của Hoa Kỳ
May 6, 2021
Phái viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ, cựu thứ trưởng ngoại giao, Richard Armitage, trong chuyến công du Đài Loan, ngày 15/04/2021. AFP – ANN WANG.
Với vỏn vẹn 23 triệu dân, cách Hoa Lục gần 150 cây số, Đài Loan đang trở thành điểm nóng thời sự. Thông cáo chung của ngoại trưởng nhóm G7 nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc duy trì « hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan », « mạnh mẽ chống đối mọi hành động đơn phương gây thêm căng thẳng trong khu vực ».
Về phía Hoa Kỳ, vấn đề Đài Loan đang làm dấy lên tranh luận với câu hỏi : Lợi hay hại nếu như chính quyền Biden tuyên bố can thiệp quân sự trong kịch bản Trung Quốc chiếm đóng Đài Loan bằng vũ lực?
Trong vài ngày nữa tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ công bố chính sách của Nhà Trắng đối với Trung Quốc. Bên cạnh rất nhiều xung khắc giữa Washington với Bắc Kinh, từ tranh chấp về thương mại hay cuộc chạy đua về công nghệ, cho đến nhân quyền tại Tân Cương, các quyền tự do tại Hồng Kông, an ninh trong các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, mọi chú ý còn hướng về lập trường của Mỹ trên vấn đề Đài Loan.
Từ năm 1979, Hoa Kỳ đã có luật « Taiwan Relations Act » quy định quan hệ của Mỹ với Đài Loan. Điều đó không cấm cản Washington bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh và công nhận nguyên tắc « một nước Trung Hoa ». Vấn đề nằm ở chỗ đạo luật về quan hệ Mỹ-Đài Loan cho phép Hoa Kỳ bán vũ khí cho hòn đảo này để tự vệ, nhưng không quy định rõ về trách nhiệm « can thiệp quân sự » trong trường hợp Đài Loan bị tấn công. Trong khi đó, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ ý định « thống nhất vùng lãnh thổ không thể tách rời này » kể cả bằng vũ lực.
Trong thời gian gần đây, thời sự tại eo biển Đài Loan càng lúc càng nóng : Các đợt máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan ngày càng nhiều và dồn dập. Các đòn hù dọa, sách nhiễu cũng thường xuyên xảy ra trên biển.
Đạo luật Taiwan Relations Act có còn tính thời sự nữa hay không ? Phải chăng đã tới lúc Washington cần đưa ra một « chiến lược rõ ràng » khẳng định là sẽ « can thiệp » nếu như Đài Loan bị Trung Quốc xâm chiếm ? Cơ quan tư vấn Council on Foreign Relations của Mỹ thiên về giải pháp thứ nhì. Trong một bài tham luận hồi tháng 9/2020, giám đốc cơ quan này, Richard Haass, cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ cần có « chiến lược rõ ràng » với Đài Loan, tổng thống Biden cần «nói rõ là Mỹ sẽ đáp trả mọi hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan».
Thế nhưng theo quan điểm của nhà nghiên cứu Michele Lowe, thuộc cơ quan Chicago Council on Global Affairs, một người từng phục vụ Hải Quân Hoa Kỳ, chưa chắc tuyên bố « rõ ràng » về mức độ can thiệp của Mỹ sẽ giúp hạ nhiệt tình hình trên eo biển Đài Loan. Theo bà, « một thông điệp rõ ràng cũng có thể bắn đi những tín hiệu trái ngược nhau ». Nói cách khác, chuyên gia này không loại trừ khả năng việc Mỹ mạnh mẽ tuyên bố can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan sẽ phản tác dụng.
Về phía quân đội Mỹ, nhiều tiếng nói lo ngại Trung Quốc sẽ bất ngờ tấn công chiếm Đài Loan và xem những hành vi uy hiếp của Bắc Kinh nhắm vào chính quyền Đài Bắc như là những bằng chứng cho thấy hơn bao giờ hết, Washington cần có những biện pháp để đáp trả.
Quan điểm này không được tất cả các cố vấn của tổng thống Biden tán đồng. Điều trần trước ủy ban quân sự ở Thượng Viện, bà Avril Haines, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Mỹ, cho rằng Mỹ không nên thay đổi chiến lược trên vấn đề Đài Loan. Viễn cảnh Mỹ huy động quân đội để bảo vệ quốc đảo này sẽ là một « yếu tố gây hoang mang sâu rộng » đối với Bắc Kinh .
Phải chăng vì thế mà đô đốc John Aquilino, người lên thay thế đô đốc Philip Davidson ở chức vụ tư lệnh lực lượng Mỹ trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, đã tỏ ra mơ hồ ? Ông Aquilino cho biết sẵn sàng thảo luận với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin, về những rủi ro và lợi ích tiềm tàng trong trường hợp Mỹ thay đổi chính sách về Đài Loan.
Avril Haines, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Mỹ, thậm chí lo ngại, trong trường hợp Mỹ có chiến lược rõ ràng về khả năng can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Bắc, Bắc Kinh sẽ khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa của gần 1,5 tỷ dân Trung Quốc và chụp mũ Hoa Kỳ là muốn ngăn cản đà vươn lên của quốc gia châu Á này.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan, phát biểu tại viện nghiên cứu Aspen Institute tuần trước, cũng đã tạm thời xua tan kịch bản chính quyền Joe Biden thay đổi chiến lược về Đài Loan. Ông Sullivan nhắc lại chính quyền Biden đã rất rõ ràng với cả phía Đài Loan lẫn Trung Quốc rằng Mỹ chống đối «mọi hành động đơn phương làm thay đổi quy chế hiện tại».
Nguồn: RFI/Thanh Hà