Trung Quốc đang thua sau cuộc chiến chống COVID
April 20, 2021
Đằng sau ánh hào quang
Bắc Kinh đã thành công trong chiến lược phong tỏa để ngăn chặn COVID-19 và đã đẩy phương Tây vào một cuộc khủng hoảng. Nhưng hiện giờ tình thế đã đảo ngược.
Trung Quốc đã ghi được những bàn thắng quyết định trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh lạnh COVID. Nước này đã áp đặt các biện pháp phong tỏa với mức độ khắt khe từng chi tiết khi buộc người dân phải ở nhà. Sau khi đã gần như hoàn toàn kiểm soát được dịch COVID-19 ở trong nước, Trung Quốc đã kích hoạt cỗ máy công nghiệp của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với hàng hóa nội địa. Tiếp đó là một chiến thắng ngoại giao với Mỹ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới bác bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Và trên hết là chiến thắng về mặt tâm lý khi Bắc Kinh hân hoan vì ngăn chặn thành công dịch bệnh COVID-19 theo cách của Trung Quốc, còn phương Tây thì ủ rũ trong tình trạng phong tỏa.
Tuy nhiên, giờ đây chiến lược vaccine tệ hại và sự phục hồi kinh tế giả tạo đang trở lại ám ảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phương Tây vốn chìm trong một năm khủng hoảng tồi tệ có thể tự hỏi: Rốt cuộc thì quyền lực của một nhà nước độc tài tập trung có cạnh tranh nổi với sự nhanh nhạy đầy sáng tạo của xã hội tư bản tự do hay không?
Thật ngạc nhiên khi quan chức kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc đã thừa nhận vaccine ngừa COVID-19 của nước này có hiệu quả thấp. Các thử nghiệm ở nước ngoài cho thấy tỷ lệ phòng bệnh của vaccine Trung Quốc chỉ thấp ở mức 50% và nước này hiện đang xem xét khả năng kết hợp các vaccine khác nhau nhằm tăng hiệu quả. Đây là một thảm họa đối với Trung Quốc. Nước này đang kẹt trong bẫy miễn dịch COVID-19 không bền vững và chỉ có thể kiểm soát dịch bằng cách đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài và hạn chế du lịch trong nước. Bắc Kinh có thể bị bỏ lại phía sau trong vòng vài tháng tới, khi các đối thủ phương Tây đạt được miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế toàn cầu.
Về điểm này, ngay cả giới bình luận Trung Quốc cũng tỏ ra rất thẳng thắn. Các nhà dịch tễ học Trung Quốc đã cảnh báo trên truyền hình rằng tỷ lệ phòng bệnh của vaccine Trung Quốc không đủ để nước này đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, chứ đừng nói là đến cuối mùa Hè này. Các chuyên mục bình luận trên báo chí Trung Quốc, vốn phê phán “những tham vọng thối nát” của các lực lượng chống Trung Quốc, giờ đây lại phân tích những tiến bộ của Anh, Israel và Mỹ với sự nể phục đúng mực.
Tuy nhiên, vaccine không phải là vấn đề duy nhất đe dọa lợi thế của Trung Quốc. Bắt đầu rộ lên những nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế thần kỳ của Bắc Kinh. Theo dự báo gần đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi các nền kinh tế phương Tây gần như hoàn toàn tránh được những hậu quả lâu dài do đại dịch COVID-19 gây nên và GDP của Mỹ vào năm 2024 thậm chí sẽ cao hơn so với dự đoán trước đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ bị cắt giảm thêm 1,59% so với dự đoán trước đại dịch. Điều này cho thấy những hạn chế của mô hình Trung Quốc đang theo đuổi, trong đó ưu tiên tham vọng hơn phát minh, giữ thể diện hơn đặt nền tảng, và mở rộng quy mô hơn nâng cao chất lượng. Có lẽ, Trung Quốc đã đánh mất bản sắc của chính mình trong sự lạc hậu của đất nước vào thế kỷ XX. Nền văn minh khai phá đã tự “đổi mới” bằng cách trở thành cường quốc chuyên đánh cắp mà không thể sáng tạo. Hóa ra, đây lại trở thành một hạn chế trong đại dịch.
Ngành công nghiệp sinh dược Trung Quốc có quy mô nhỏ và còn yếu kém vì không thể phát triển mạnh trong lĩnh vực khoa học tiên tiến chỉ bằng cách sao chép rập khuôn các đối thủ (không giống như đối với điện thoại thông minh và pin Mặt Trời). Bắc Kinh đã phải dựa vào công nghệ lạc hậu để sản xuất ra loại vaccine không chỉ kém hiệu quả hơn so với các loại tương đương của phương Tây mà còn đắt hơn. Vaccine Sinovac có giá 30 USD/liều, so với giá 3 USD của AstraZeneca. Nhà nước Trung Quốc trợ cấp cho việc sản xuất vaccine thông qua quá trình mua sắm tập trung quá mức. Sự tăng trưởng khiêm tốn nhất trên toàn cầu của ngành dược phẩm Trung Quốc trong những năm gần đây bị sa lầy trong các vụ bê bối tham nhũng và việc thu hồi hàng trăm nghìn loại vaccine. Chính trong bối cảnh khó khăn này, các công ty Trung Quốc đã lao vào sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là nơi virus SARS-CoV-2 xuất hiện và từ đó lây lan ra thế giới, Bắc Kinh đã hy vọng sẽ khôi phục hình ảnh của mình thông qua ngoại giao vaccine. Nhưng chiến lược này có thể sắp phản tác dụng.
Phương Tây cũng không hoàn hảo. Các vấn đề của vaccine AstraZeneca cho thấy việc phát triển và triển khai một loại vaccine hiệu quả cao và rẻ tiền là một thách thức. Sự hợp tác gần đây của công ty Anh-Thụy Điển này với các cơ quan quản lý của Mỹ cũng cho thấy các “ông lớn” dược phẩm phương Tây (Western Big Pharma) cũng không tránh khỏi những chỉ trích chính đáng về minh bạch dữ liệu. Dù vậy, thực tế cho thấy các công ty dược hoạt động vì lợi nhuận này đã sử dụng COVID-19 như một cơ hội để quảng bá cho bản thân, thay vì cho lợi ích lớn hơn của quốc gia. Với danh tiếng của mình, họ đã nhắm đến việc phát triển các loại vaccine có hiệu quả càng nhanh càng tốt, thay vì có hiệu quả theo yêu cầu.
Lộ trình phát triển kinh tế của Trung Quốc thời hậu COVID cũng cần sự giám sát tương tự. Tỷ lệ nợ công trầm trọng của này nước, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do các khoản chi không kiểm soát nhằm phục hồi kinh tế khu vực công, có thể không bền vững như các nhà kinh tế Trung Quốc tuyên bố. Các doanh nghiệp được hưởng trợ cấp nhà nước song hoạt động èo uột đã không thể cạnh tranh nổi với “động lực khởi nghiệp và đổi mới hàng loạt” của nền kinh tế. Thất bại của “mô hình phát triển mới” của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm giải phóng tiêu dùng trong nước dường như đã được định trước, vì mô hình này phụ thuộc vào việc phân phối quyền lực tài chính thực sự cho các công dân bình thường. Sau khi đưa hàng trăm triệu nông dân từ đồng ruộng vào nhà máy, Trung Quốc đã cạn kiệt nguồn lao động giá rẻ do dân số bắt đầu già đi nhanh chóng.
Để giải quyết những vấn đề lớn dài hạn này, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần tự do hóa và mở cửa. Thay vào đó, Tập Cận Bình lại tăng cường xây dựng một siêu nhà nước chuyên chế biệt lập. Trong khi đó, các công ty châu Âu và Mỹ được thiết lập để thúc đẩy phục hồi. Môi trường tư bản năng động hơn đã buộc họ phải thích ứng với một thế giới mới thời kỳ hậu COVID-19, giảm chi phí và thay đổi mô hình kinh doanh theo yêu cầu.
Có thể học được nhiều điều từ các giá trị của Trung Quốc như ham muốn, năng lượng và đầu tư của nước này trong tương lai, thay vì những giá trị hiện tại. Và ngược lại, nếu Trung Quốc không học được từ phương Tây rằng tự do là điều cốt yếu để phát triển, thì nước này có thể sẽ chỉ trở thành một cường quốc chết yểu.
Việt Nam có khác gì?
Những vấn đề của Trung Quốc cũng là những vấn đề đối với Việt Nam, có khác chỉ là quy mô. Trong bài phát biểu đầu tiên trước chính phủ, tân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có nhắc tới việc chống dịch, tuy nhiên một vấn đề quan trọng là vaccine ở đâu thì chưa có câu trả lời rõ ràng. Ngày 31/3, báo chí Việt Nam đã đưa tin Bộ trưởng Bộ y tế Việt Nam đã phải “năn nỉ” phía Trung Quốc giúp đỡ vaccine (1). Nhưng với chất lượng của vaccine từ Trung Quốc như đã phân tích ở trên thì Trung Quốc “ốc còn chưa mang nổi mình ốc, thì sao còn đóng cọc cho rêu” được.
Báo chí Việt Nam đăng lại các phát biểu “chính thống” nói Việt Nam đã đạt được những thành tích kỳ diệu về kinh tế, cho dù COVID -19 hoành hành. Tuy nhiên, còn những góc khuất mà ít người nhìn thấy trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Chỉ tính trong quý I/2021, đã có 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 15,6%, cao hơn so với 29,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (2). Số giải thể cao hơn số thành lập là điều đáng phải suy nghĩ.
Theo UNIDO (Tổ chức Phát triển Công nghiệp của LHQ) thì một quốc gia được xếp hạng là “nền kinh tế công nghiệp mới nổi” khi quốc gia đó đã có những thành tựu đáng kể về công nghiệp hóa và GDP bình quân đầu người từ khoảng 10.000 USD đến 20.000 USD. Theo nhận xét của một phóng viên chuyên về kinh tế đăng trên Facebook cá nhân của anh ta thì với GDP bình quân đầu người khoảng 2.750 USD năm 2020 và tăng trưởng bình quân 5,9% trong thập kỷ qua, Việt Nam phải mất cả chục năm nữa, nếu không bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình, để vượt qua tình trạng “nền kinh tế đang phát triển” và trở thành “nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.
Theo GSO, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới.
Có tới 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang. Tỷ lệ máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu; tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 20% trong khi tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trên 60% công nghệ mới.
Có lẽ, Việt Nam cần một cuộc cải cách thực sự để có thể phát triển, chứ như hiện nay các con số “ảo” vẫn làm nức lòng các lãnh đạo, nhưng đời sống người dân càng ngày càng gặp nhiều khó khăn chồng chất. Và hơn hết, việc tạo dựng môi trường tự do để có thể tận dụng các nguồn lực cho phát triển là một yêu cầu cấp bách vào lúc này.
Nguồn: RFA/Đậu Ngọc Xuân