Mỹ-Hàn đối thoại 2+2 tìm cách đối phó với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng
March 17, 2021
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (P) nói chuyện với nhân viên sứ quán Mỹ ở Trung Tâm Hoa Kỳ Hàn Quốc, Seoul, ngày 17/03/2021 REUTERS – POOL.
Sau Tokyo, hôm nay 17/03/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin tới Seoul tiếp tục cuộc gặp 2+2 với các đồng nhiệm Hàn Quốc nhằm khẳng định lại những cam kết chung đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Tiều Tiên và tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Hàn Quốc là chặng thứ 2 trong chuyến công du châu Á đầu tiên của lãnh đạo Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ. Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc là đồng minh then chốt của Hoa Kỳ mà chính quyền Joe Biden đặt trọng tâm cần phải thẳt chặt thêm quan hệ đối tác ở châu Á trong chiến lược ngăn chặn gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trước khi rời Tokyo, ngoại trưởng Blinken đã tố cáo Bắc Kinh không ngừng trấn áp trong nước và hung hăng hơn ở bên ngoài, đặc biệt trong vùng Biển Đông cũng như ở biển Hoa Đông và với Đài Loan. Ông Blinken tuyên bố: “Điều quan trọng với chúng ta là phải cùng nhau khẳng định rõ là Trung quốc không thể cứ hy vọng hành động mà không bị trừng phạt”.
Hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc họp 2+2 tại Hàn Quốc, nơi 28500 quân Mỹ bảo đảm an ninh cho đồng minh trước mối đe dọa thường trực từ Bắc Triều Tiên. Hợp tác quốc phòng chặt chẽ Mỹ- Hàn khiến Bình Nhưỡng bực tức và thường có những hành động khiêu khích quân sự mỗi khi hai nước đồng minh tiến hành các cuộc tập trận chung.
Từ khi lên nắm quyền, chính quyền Joe Biden đã cố gắng nối lại các cuộc đối thoại với chế độ Kim Jong Un nhưng dường như đến lúc này chưa thấy có dấu hiệu Bình nhưỡng đáp lại, ngoài một phát ngôn của Kim Yo Jong, em gái Kim Jong Un, một lãnh đạo có ảnh hưởng trong chế độ, nhân dịp quân đội Mỹ- Hàn tiến hành cuộc tập trận thường niên tuần trước: “ Washington đừng nên làm gì để phải mất ngủ… nếu các vị muốn được ngủ ngon trong 4 năm tới”, ám chỉ đến nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden.
Ngày mai, các quan chức Mỹ sẽ gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một người có nhiều nỗ lực với chính quyền Doanld Trump để làm giảm căng thẳng với Bắc Triều Tiên từ năm 2018.
Mặc dù đã có những dấu ấn biểu tượng, với các cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc với Kim Jong Un, nhưng từ 2018 đến nay hồ sơ Bắc Triều Tiên vẫn không hề có tiến bộ nào. Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân quân sự và chịu những trừng phạt nghiêm ngặt của cộng đồng quốc tế và Mỹ.
Nguồn: RFI/Anh Vũ