Đối thoại 2+2 : Nhật – Mỹ tái khẳng định liên minh và nêu quan ngại về Biển Đông
March 17, 2021
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (G), bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (T) và ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, trong cuộc hội đàm ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/03/2021. REUTERS – KIM KYUNG-HOON.
Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản có cuộc họp đầu tiên dưới thời tổng thống Joe Biden. Tại Đối thoại 2+2 diễn ra ở Tokyo ngày 16/03/2021, hai nước tái khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc để phản đối mọi hành động « cưỡng chế » và « gây bất ổn » trong vùng.
Trong một tuyên bố chung ngày 16/03, được AFP trích dẫn, bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước bày tỏ « những quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây gây rối loạn ở trong vùng », trong đó có Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc liên quan đến những yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ngoài ra, các bộ trưởng cho rằng « hành vi của Trung Quốc, khi không thích hợp với trật tự quốc tế hiện hành, trở thành những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ ».
Hình thành mặt trận chung đối phó với Trung Quốc
Chuyến công du châu Á đầu tiên của ngoại trưởng Anthony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin khẳng định Washington muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh trong khu vực sau bốn năm ngoại giao sóng gió dưới thời tổng thống Donald Trump và nhằm hình thành một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc.
Chiến lược này được hai bộ trưởng Mỹ nêu rõ trong một diễn đàn chung, đăng trên báo Washington Post ngày 15/03. Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
« Sức mạnh phối hợp của chúng ta làm chúng ta mạnh mẽ hơn khi chúng ta phải đẩy lùi sự hiếu chiến và những mối đe dọa của Trung Quốc ». Câu nói này được ông Antony Blinken và Lloyd Austin viết trong một diễn đàn đăng trên báo Washington Post vào ngày họ đến Tokyo.
Hai bộ trưởng Mỹ nêu rõ : « Cùng nhau, chúng ta sẽ đòi Trung Quốc giải trình khi nước này vi phạm nhân quyền, tuyên bố những yêu sách về quyền hàng hải ở Biển Đông » trước khi kết luận rằng « Nếu chúng ta không hành động quyết đoán và không hành động trước, thì Trung Quốc sẽ làm thế ».
Đằng sau chủ ý nối lại quan hệ với các nước đồng minh ít được chú ý, thậm chí là bị chèn ép dưới thời Donald Trump, chính quyền mới của Mỹ còn xác nhận rõ ràng ý định hình thành một mặt trận chung chống Bắc Kinh.
Kìm hãm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng từng là trọng tâm cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào tuần trước của bốn nước Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ ».
Nguồn: RFI/Thu Hằng