Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 23, 2024

Ngoại giao Việt Nam: Làm thế nào để dẫn dắt?


Chính phủ Việt Nam nói đã và đang sẵn sàng đóng vai trò dẫn dắt, vai trò tiên phong, đóng góp vào công việc của khu vực và thế giới.

Nhưng trước khi bàn khía cạnh quốc tế, chúng ta nên ưu tiên dẫn dắt chính bản thân mình. Để dẫn dắt, rất cần tư duy đột phá. Trước hết là đột phá trong các vấn đề sát sườn đối với an ninh và phát triển của đất nước.

Luật Ba Đặc khu

Một góc nhìn nổi trội về an ninh hiện nay là Luật Ba Đặc khu. Các chuyên gia hàng đầu trong nước đang “dẫn dắt” thúc đẩy để chính quyền thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về ba đặc khu. Ông Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ đối thoại, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quần chúng, của các nhà cách mạng lão thành, của các tầng lớp tri thức trong nước và ngoài nước về Luật Ba Đặc khu.

Nhiều ý kiến cho rằng, vì tầm mức hệ trọng của Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc, sau khi thực hiện việc lấy ý kiến tham vấn cán bộ lão thành và các giới khác nếu có, dự luật vẫn phải đưa ra trưng cầu dân ý.

Nhưng liệu “tân” chính phủ và đặc biệt là “tân” Thủ tướng tới đây có nghĩ như thế không là điều chúng ta chưa biết được. Trong trường hợp này, Ngoại giao khó dẫn dắt lắm, thậm chí có khi còn “bị dẫn dắt” nữa là khác.

Sườn phía Tây, phía Bắc và Đông Bắc của Việt Nam đã bị bịt lối ra. Nếu Luật Ba Đặc khu được thông qua, những hướng còn lại cũng bị chặn nốt. Việt Nam sẽ rơi vào một tình huống hết sức chông chênh về an ninh.

Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh như cách đây 42 năm, không biết dàn lãnh đạo mới Việt Nam sẽ xử lý tình huống này như thế nào?

Một vấn đề nữa, đó là cần dẫn dắt để hoá giải những cảm giác bất an được ghi nhận trong dư luận người dân. Ngoại giao phải trả lời được câu hỏi: Với đà căng thẳng Trung – Mỹ đang leo thang trên nhiều địa hạt, đặc biệt là ở Biển Đông như hiện nay thì liệu Trung Quốc có đánh Việt Nam hay không? Nếu đánh thì đánh từ biển vào (Trường Sa trước?) hay tấn công ngay trên đất liền trước?

Càng bất an hơn, sau Đại hội 13, Bộ trưởng Công an Trung Quốc là quan chức cao cấp nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến VN, nói là để chúc mừng thành công của Đại hội. Chúc mừng nhưng khi gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng VN, ông ấy lại tuyên bố, chuyến thăm nhằm quán triệt nhận thức này, quán triệt nhận thức kia…

Đối nội và đối ngoại là một

Muốn ngoại giao VN đóng góp hiệu quả vào việc giải quyết những vấn đề chung thì nội lực bên trong phải mạnh. Có mạnh trong nước thì đối ngoại mới hiệu quả, mới có hy vọng dẫn dắt trong khối. VN phải “hoà nhi bất đồng” chứ không thể “đồng nhi bất hoà”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dường như cảm nhận được điều này nên chính ông từng kêu gọi đã đến lúc phải cải cách thể chế để tạo đột phát trong phát triển. Có chuyên gia hy vọng, Thủ tướng kế nhiệm sẽ tiếp tục sự nghiệp của chính phủ trước đây. Đó là cải cách thể chế, chuyển sang kinh tế số hóa và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Công cuộc cải cách này – chuyên gia gọi là “Đổi mới-2” – Ngoại giao có thể góp phần dẫn dắt. Ngoại giao hãy trở thành chất xúc tác để “hoà đồng bộ” một số định chế trong nước còn vênh với các định chế khu vực và toàn cầu mà VN đã cam kết từ trước đến nay. Các hiệp định song phương và đa phương ký kết trong thập niên hội nhập sâu rộng và toàn diện là những tiền để thuận lợi để ngoại giao góp phần dẫn dắt nội trị.

Đối ngoại và đối nội tới đây phải là hai mặt của một đồng tiền, trở thành tổng thể chính sách được tích hợp từ các động lực trong nước và quốc tế. Ngoại giao là kênh thích hợp để VN có thể chuyển tải một số giá trị tiến bộ và phổ quát. VN cần có thái độ rõ ràng, minh bạch thông qua một số động thái ngoại giao khả tín. Ta không thể coi đảo chính quân sự ở Myanmar vừa qua chỉ là “cuộc bạo động”, mà phải gọi sự vật đúng tên Phải tích cực trong việc đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy quá trình dân chủ hoá ở Myanmar, lên án chế độ quân phiệt.

Khi họp với các ngoại trưởng ASEAN, chúng ta cũng chưa chủ động có đề xuất gì cụ thể là điều đáng tiếc. Nếu VN là một trong các thành viên của “ASEAN Trojka” như các nước Indonesia, Malaysia và Singapore đề xuất, chúng ta có thể làm tăng quyền lực trung gian giữa Việt Nam với Myanmar và qua đó giữa ASEAN với khu vực và thế giới. Làm như thế mới là cách dẫn dắt hiệu quả.

Lướt sóng trên đấu trường ĐNÁ

Trong đấu trường Đông Nam Á, sự phức hợp trong quan hệ Trung – Mỹ thực sự là một thách thức đối với hầu hết các thành viên ASEAN. Việt Nam không phảỉ là ngoại lệ. Bởi vì, vị trí này luôn luôn là ngã tư chiến lược, là nơi mà lợi ích của các đại cường giao nhau và phần lớn va đập nhau.

Sự cạnh tranh ngày nay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chỉ là một giai đoạn khác của một động lực đã nằm sẵn hàng thế kỷ trong bản năng sống còn của khu vực. VN hẳn nhiên cùng một lúc, vừa phải phòng ngừa, vừa cân bằng, nhưng cũng vừa “khoát nước theo mưa” (hedge, balance, and bandwagon). Điều này nằm trong “gen chính trị” của VN trong lịch sử.

CSVN hẳn nhiên không thể coi nhẹ các mối quan hệ chính trị – kinh tế với Trung Quốc, nhưng đa số các nhà lãnh đạo VN cũng không đơn giản chỉ cấu trúc quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh trên cơ sở duy ý thức hệ, thương mại hay đầu tư. Chủ nghĩa dân tộc vẫn là một lực tác động mạnh mẽ đến bang giao.

Việt Nam chỉ có một đảng cầm quyềnViệt Nam chỉ có một đảng cầm quyền

Cái khó đối với “tân” chính phủ là rồi đây, mỗi khi có bế tắc hay căng thẳng trong bang giao, Bắc Kinh thường viện dẫn đến “đại cục” hay “thoả thuận cấp cao” là những “tập hợp mờ” mà chỉ rất ít nhà lãnh đạo Hà Nội quán triệt được nội hàm cụ thể. Hơn nữa, chính sách cân bằng dễ biến dạng thành “đu dây” với những hậu quả khó lường trước.

Với Hoa Kỳ cũng là một phép thử khó khăn về phương cách Ngoại giao dẫn dắt giới hoạch định chính sách để kiến tạo nền tảng cho một mối “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước có chung lợi ích và tầm nhìn. Việt Nam trên thực tế bị kẹt về mặt địa-chính trị giữa Hoa Kỳ, cường quốc thống trị và Trung Quốc, cường quốc mới nổi.

Phần lớn giới quan sát cho rằng VN có thể tiếp tục duy trì vị thế “cân bằng động” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong khi một số ý kiến khác lo ngại rằng, VN có thể trở thành nạn nhân của những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc. Nhưng nếu dẫn dắt tốt, Việt Nam có thể tiến gần hơn với Hoa Kỳ bằng cách áp dụng một “khuôn khổ liên kết mềm với Mỹ”, trong đó Washington hỗ trợ nhiều hơn cho các nhu cầu về quốc phòng và an ninh của Hà Nội.

Để đổi lại, Hoa Kỳ có thể giành được “lòng tin chiến lược” của Việt Nam bằng cách đáp ứng các mối quan tâm chính của Hà Nội, tức là không can thiệp vào chính trị trong nước và không có ý định thay đổi thể chế ở đây. Đồng thời, Việt Nam, với tư cách là một cường quốc bậc trung, cần đầu tư nhiều hơn vào việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Bài học “dân tộc với thời đại”

Một trong những bãn lĩnh mới, tâm thế mới, theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, là Việt Nam sẽ chủ động tham gia vào quá trình định hình các cấu trúc khu vực, xây dựng các khuôn khổ ở tầm khu vực, liên khu vực và toàn cầu.

Trước đây, chúng ta chưa thể hình dung sẽ xuất hiện một cấu trúc an ninh mới có quy mô toàn cầu như “không gian Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của “Bộ tứ”, bao gồm Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Chỉ cách đây hai năm, chưa ai nghĩ ASEAN sẽ có phản ứng tích cực trước khung khổ địa-chính trị đó và khẳng định được một AOIP (Quan điểm của ASEAN về FOIP). FOIP lại vừa xuất hiện thêm một “Bộ tứ” thứ hai ở châu Âu – “Bộ tứ” xuyên Đại Tây Dương – bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh.

Thuyền đánh cá ở cảng Dương Đông, Phú QuốcThuyền đánh cá ở cảng Dương Đông, Phú Quốc

Đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt nam, việc biến “Bố tứ” thành một tổ chức an ninh tập thể để đối phó với Trung Quốc sẽ buộc các chính phủ phải chọn bên. Mà “chọn bên” là một sứ mệnh đầy thách thức. Vì vậy, giới quan sát có phần bất ngờ khi Thiếu tướng Công an Đỗ Lê Chi – Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, thuộc Tổng cục Tình báo VN – đã phát biểu công khai trong nước về khả năng hình thành một liên minh quân sự “NATO ở Đông Nam Á” và vai trò Việt Nam trong liên minh khu vực ấy.

Theo TS. Đỗ Lê Chi, vấn đề không phải là có nên tham gia hay không, mà vấn đề là, Việt Nam cần chủ động thúc đẩy việc hình thành một tổ chức an ninh đa phương, ràng buộc tại khu vực, vì lợi ích của tất cả các bên. Lâu nay ta vẫn luôn chủ trương chủ động hội nhập, nhưng có khi ta vẫn bị động. Các nước lớn triển khai chính sách mà mình cứ phải cân đong đo đếm là có tham gia hay là không. Điều này cho thấy vai trò dẫn dắt của chúng ta chưa phải lúc nào cũng cao.

Liệu “tân” chính phủ VN rồi đây có thực sự thúc đẩy tầm nhìn FOIP? Và có xem xét lại triết lý quốc phòng “bốn không một nếu”? Về trụ cột kinh tế, câu trả lời có thể là “yes”. Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương thường niên lần thứ 3 (IPBF-3) đã diễn ra tại Hà Nội năm ngoái là minh chứng rõ ràng. Nhưng về trụ cột an ninh, nhất là trong chiều kích “ngăn chặn” Trung Quốc, câu trả lời nhiều khả năng sẽ là “not yet”. Trong khi đó “Bộ tứ” khuyến khích VN nên sớm trở thành thành viên “theo sát” của FOIP (shadow member).

Điều đáng nói là, giữa các trụ cột của FOIP, ranh giới không phải lúc nào cũng rạch ròi. Mùa hè vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố Mỹ đang thúc đẩy xây dựng một “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”, với sự tham gia của Việt Nam. Mạng lưới này được hình thành trên nền tảng “Bộ tứ”, được Washington xem như điểm nhấn quan trọng trong chính sách thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu thời hậu COVID-19.

Với tất cả các nan đề vừa điểm xuyết ở trên, câu hỏi ở đây là liệu chính phủ mới ở Việt Nam sẽ phải làm gì, để nền Ngoại giao VN thực sự có thể dẫn dắt, có thể đi đầu trong bối cảnh an ninh khu vực chuyển biến gia tốc, hay lại bị “cuốn theo chiều gió” rồi để thời cuộc dẫn dắt?

Nguồn: TS. Đinh Hoàng Thắng@BBC. Ông hiện là Giám đốc Truyền thông Viện PLD – Viện Nghiên cứu các vấn đề về Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội.

Tags:

Click to listen highlighted text!