Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang thuộc danh sách 10 trường hợp khẩn cấp về tự do báo chí
March 5, 2021
Nhà báo Phạm Đoan Trang và những cuốn sách mà cô viết.
Nhà hoạt động đang bị Việt Nam giam giữ, cô Phạm Đoan Trang, nằm trong danh sách 10 trường hợp khẩn cấp về tự do báo chí của tổ chức One Free Press Coalition (OFPC).
OFPC vào ngày 1 tháng 3 vừa qua đưa ra kêu gọi hãy đứng lên đấu tranh cho những nhà báo đang bị tấn công vì theo đuổi sự thật. Trong số này có 10 trường hợp và Cô Phạm Đoan Trang tại Việt Nam là một trong những trường hợp đó.
Trao đổi với RFA tối 5/3, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận xét về việc OFPC đưa Cô Phạm Đoan Trang của Việt Nam vào 10 trường hợp đáng quan tâm nhất trong số những nhà báo bị chế độ độc tài đàn áp như sau:
“Giới hiểu biết quan sát chính trị và lý luận ở Việt Nam luôn luôn đánh giá rất cao Phạm Đoan Trang trong đội ngũ những người bất đồng chính kiến, đấu tranh vì một Việt Nam dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong những năm gần đây, những người mà tranh đấu phản biện, đấu tranh cho tự do dân chủ bị những mức án nặng nề, trên 10 năm và họ xét theo những điều luật rất nghiêm trọng như lật đổ nhà nước, tuyên truyền chống nhà nước… với khung án rất nặng. Tương lai nếu bị đem ra xét xử tôi nghĩ Đoan Trang sẽ bị phạt rất nặng.
Vì vậy tôi nghĩ việc quốc tế lên tiếng vì Đoan Trang tôi nghĩ là chính đáng, phù hợp với tiến bộ. Tôi rất mừng khi tổ chức đó đưa Đoan Trang vào trường hợp quan tâm.
Theo tôi nghĩ top 10 là vẫn còn ít. Nếu so sánh trên thế giới thì rõ ràng Đoan Trang tôi nghĩ tối thiểu phải ở top 5 quan tâm đầu tiên.”
Nhà hoạt động nữ có tiếng Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, từng là một nhà báo làm việc cho một số báo Nhà nước, sau đó cô trở thành một nhà báo độc lập rồi một nhà hoạt động tích cực cho các quyền căn bản tại Việt Nam.
Cô là tác giả của một số sách về nhân quyền, chính trị được xuất bản ở nước ngoài. Cô cũng nhận được những giải thưởng về nhân quyền như giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hạng mục Ảnh Hưởng; giải Homo Homini năm 2017 của tổ chức People In Need.
Cô bị bắt vào khuya ngày 6 tháng tháng 10 năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh ngay sau cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 24. Sau đó Cô bị di lý ra Hà Nội.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 7 tháng 10 đưa tin, dẫn nguồn từ Cơ quan An Ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội về quyết định khởi tố đối với cô Phạm Đoan Trang. Cô Trang bị cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999, và ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 117 Bộ luật Hình sự VN năm 2015.
Những điều luật này bị thế giới cho là mơ hồ, chính trị hóa các hoạt động được Hiến pháp Việt Nam công nhận nhằm bịt miệng các tiếng nói chỉ trích sai trái của đảng cộng sản cầm quyền và chính phủ Hà Nội hiện nay.
OFPC là liên minh được hình thành để soi rọi ánh sáng vào tình cảnh của những phóng viên bị đe dọa trên toàn thế giới vào khi quyền tự do của báo giới bị tấn công khắp toàn cầu.
Nguồn: RFA