Chiến hạm Hoa Kỳ áp sát quần đảo Trường Sa
February 17, 2021
Thủy thủ Hoa Kỳ trên boong đáp của tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Russell hôm 21/11/2019, đang tiến hành huấn luyện định kỳ ở Đông Thái Bình Dương.
Chiến hạm USS Russell của Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng 2 áp sát quần đảo Trường Sa nơi có những đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.
Reuters loan tin cho biết khu trục hạm USS Russell thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải, gọi tắt theo tiếng Anh là FONOPS, phù hợp với luật quốc tế tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Đây là hoạt động FONOPS mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ tại khu vực mà Trung Quốc tự vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền gần vùng biển đó.
Vào ngày 5 tháng 2 vừa qua, khu trục hạm USS John McCain đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế. Đó là chuyến thực hiện quyền tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ đầu tiên ở Biển Đông dưới thời tân Tổng thống Joe Biden.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, nhận định về chính sách của chính quyền Joe Biden về Biển Đông qua chuyến FONOPS mới nhất:
“Có nhiều người còn đang lo ngại là chính quyền ông Joe Biden không mạnh mẽ như chính quyền ông Donald Trump trước đó về vấn đề Biển Đông và Trung Quốc. Chính vì vậy khi mà ông Biden lên và đề cử một loạt nhân vật mà rất là có kinh nghiệm trong lĩnh vực Trung Quốc và Châu Á, song song đó thì ông Biden cũng tiếp tục thúc đẩy những chính sách tự do hàng hải mà chúng ta thấy vừa qua, chiến hạm của Mỹ đã có những lần FONOPS. Điều đó cũng khẳng định một điều là chính sách của Mỹ về vấn đề Biển Đông sẽ không có thay đổi dù là thời chính quyền Trump hay ông Biden, và ông Biden cũng tỏ ra cũng không phải là người mềm yếu như người ta vẫn lầm tưởng.”
Vào ngày 9 tháng 2 vừa qua, hai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các hộ tống hạm của Hoa Kỳ cũng tiến hành tập trận chung trên Biển Đông. Hai nhóm hàng không mẫu hạm này được cho biết “đã tiến hành vô số cuộc tập trận nhằm tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát”.
Nguồn: RFA