Cuộc chiến 1979: tình nghĩa Đảng anh – Đảng em
February 15, 2021
Cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt nam Tháng 2 năm 1979 cho thấy sự đối xử của bậc đàn anh Trung Quốc với em út Việt Nam thế nào và thái độ của đảng, nhà nước Việt Nam ra sao trước lịch sử.Từ thời dựng nước đến nay, Trung Quốc đã 14 lần xâm lược Việt Nam, trong đó có 13 cuộc xảy ra xuyên qua các thời đại của các tiên vương Việt Nam và kẻ thù phương Bắc và một lần trong thời cộng sản đồng chí của cả hai nước mà Hồ Chí Minh ca ngợi: “Vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Cuộc chiến tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng tàn khốc khiến hàng vạn người Việt Nam, cả dân thường và binh lính bỏ mạng.
Tháng 2 năm 1979 Trung Quốc đã tung ra một cuộc chiến đẫm máu mà Đặng Tiểu Bình gọi là dạy cho Việt Nam một bài học. Trong lịch sử, Trung Quốc luôn là kẻ thù của Việt Nam, họ đã 13 lần xâm lược và đã hàng ngàn năm bắt dân Việt làm nô lệ. Chỉ từ khi có hai đảng cộng sản Việt, Trung tình nghĩa giữa hai đảng này mới ngày càng thắm thiết. Việt Nam đã ngửa tay nhận viện trợ từ vũ khí đến lượng thực của Trung Quốc để chống Pháp, chống Mỹ, xâm lược Việt Nam Cộng Hòa. Cố vấn Trung Quốc và binh lính của họ cũng từng có mặt tại Việt Nam.
Tình nghĩa anh em bắt đầu xấu đi khi có sư hục hặc giữa hai ông anh lớn Trung-Xô và Việt Nam là nạn nhân đứng giữa hai con trâu điên đang kìm sừng húc nhau. Hàng loạt người trong ĐCSVN bị nghi kỵ theo phe Tàu, theo phe Nga. Cả hai phe hiềm thù, nghi kỵ nhau, âm thầm có, công khai có, thanh toán nhau không thương tiếc.
Tháng 12 năm 1978, Đảng Cộng sản Khmer, kẻ được ĐCSVN bảo bọc, ủng hộ hết sức trong cuộc chiến chống lại ông hoàng Sihanouk đã trở mặt chống lại quan thầy cộng sản Việt Nam. Chúng xua quân tràn qua biên giới giết hại hàng chục ngàn dân Việt. Ba Chúc, một xã biên giới xinh đẹp, nên thơ, an lành từ hàng trăm năm, nơi phần lớn dân là người Khmer đã bị lính Khmer Đỏ tàn sát.
Hơn 3000 người kể cả trẻ em bị chúng dùng cuốc xẻng giết, con nít bị chúng cầm chân đập đầu vào gốc cây. Cộng sản Việt Nam, trước nguy cơ bị mất biển, đất liền dọc biên giới phía Nam bởi tay cộng sản Khmer đang được đàn anh là cộng sản Trung Quốc chống lưng quyết định đưa quân tấn công vào lãnh thổ Campuchia, dựng nên một chính phủ thân Việt Nam.
Bị mất mặt, Đặng Tiểu Bình lúc đó là Tổng bí thư ĐCSTQ quyết “dạy cho tên bá quyền khu vực Việt Nam một bài học thích đáng”.
Rạng sáng ngày 17/2/1979, 400 xe tăng và 1.500 đại bác, đồng loạt tấn công vào 6 tỉnh biên giới của Việt Nam khi cư dân vẫn đang ngủ. Giải phóng quân Trung Quốc áp dụng chiến thuật “biển người” dã man, tàn bạo, vô nhân tính tràn vào các cứ điểm, hỏa điểm của quân phòng thủ Việt Nam. Hàng chục năm trước, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật coi mạng người như cỏ rác trong chiến tranh Triều Tiên. Trẻ con Việt Nam từng được cho xem các loại phim về các cuộc chiến theo kiểu dùng hết lớp sóng người này đến lớp người khác tràn ngập địch quân, chúng được dạy reo hò cổ vũ tinh thần quả cảm quyết tử của hồng quận Trung Hoa.
Quân Trung Cộng đã chiếm và thiêu hủy hàng loạt làng mạc, thành thị của Việt Nam, hãm hiếp phụ nữ, giết hàng chục ngàn dân thường trên đường tiến của chúng. Đầu tháng 3 năm 1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố đã “dạy xong bài học cho Việt Nam” và rút quân vào ngày 16 tháng 3. Phía Việt Nam cũng tuyên bố chiến thắng, đuổi được bọn bành trướng xâm lược Bắc Kinh ra khỏi lãnh thổ. Thực tế, lính Trung Quốc vẫn còn chiếm giữ một số cao điểm phía nam biên giới Trung-Việt. Các cuộc trao đổi hỏa lực giữa hai bên vẫn còn dai dẳng sau đó.
Hàng trăm ngàn người của cả hai đảng cộng sản tình nghĩa thắm thiết anh em môi hở răng lạnh đã cắn chết nhau. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cắn răng không hở môi chính thức khóc than cho đồng chí, đồng bào của mình, không một hàng chữ được viết trong sách giáo khoa để con cháu ghi nhớ lịch sử “môi hở răng lạnh” của hai đảng đồng chí anh em khiến người dân chết oan.
Trong khi báo chí Trung Quốc luôn đầu độc dư luận người dân của họ về tính chính nghĩa của cuộc chiến này như “Cuộc phản công tự vệ chống lại Việt Nam.”(?) thì báo chí Việt Nam trong năm vừa qua mới chỉ lác đác, rụt rè ca ngợi sự dũng cảm bảo vệ đất nước của một số cá nhân, đơn vị. Vài nhóm cựu quân nhân già yếu sống sót nhớ thương đồng đội đến đứng từ các quả đồi xa cầm hương vái vọng về chiến trường cũ, nơi mìn bẫy còn chưa được tháo gỡ!
Với cuộc tàn sát người Việt bởi đồng chí Trung Quốc, ĐCSVN cố tình làm nhẹ dần, cố xóa đi trong ký ức dân Việt. Những năm sau cuộc chiến, họ bịt miệng người dân, báo chí không được nhắc đến một chữ hòng che đậy chính dã tâm của đồng chí đảnh anh đã giết đồng bào mình. Cuộc chiến giữa hai đảng Cộng sản anh em chỉ được những người Việt yêu nước nhớ đến, vì nỗi đau còn hằn sâu, nhỏ máu trong tim, tổ chức trên các trang thông tin xã hội dưới con mắt canh chừng của ĐCS Việt Nam.
Nguồn: Quang Nguyên @VNTB