Lam Phương, mùa Xuân nào ta về
February 8, 2021
Lam Phương trong một chương trình âm nhạc tại Dallas. (Hình: Đinh Yên Thảo).
Với trên dưới bản nhạc 200 bản nhạc gần gũi và đại chúng qua vài thế hệ người thưởng ngoạn, nhạc sĩ Lam Phương quả xứng danh là một trong những nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc ông ghi dấu lịch sử và thời cuộc, như cuốn sử nhạc ghi lại một chặng đường dân tộc qua các tâm trạng, cảm xúc của riêng ông. Mà cũng chính của nhiều người đồng thế hệ.
Vậy mà điểm lại nhạc Lam Phương, dù có nhiều bản nhạc Thu và Đông, ông lại viết khá ít nhạc thật sự cho mùa Xuân. Nếu có dăm bản thì đó lại là những bản nhạc nhắc đến Xuân buồn. Chúng không phải là loại nhạc Xuân để các ca sĩ trình diễn trong không khí Xuân rộn ràng vì hầu hết là những ngậm ngùi, là phân cách, chia ly.
Bản nhạc lính Biết Đến Bao Giờ ông viết trước năm 1975 không phải là một bản nhạc dành riêng cho mùa Xuân, mà ông diễn tả cái nhung nhớ người yêu đang khoác áo chiến chinh xa nhà ngày Xuân, để người yêu chờ đợi, nhung nhớ về người trai chiến trường, chờ đến cuối Xuân vẫn chưa về.
“Rừng lá rừng chập chùng, giá lạnh trai chiến trường
Đêm nay xa quê hương xa lìa tiếng nói người thương
Ngày anh lên đường chiến đấu, hoa lòng đã chớm tình yêu
Nhưng chờ đâu thấy người anh yêu, chờ đến Xuân về chiều”.
(Biết Đến Bao Giờ)
Ca khúc lính khác của nhạc sĩ Lam Phương diễn tả cùng tâm trạng này là bài Mộng Ước do các ca sĩ như Giao Linh hay Thanh Thúy ca. Đây là một trong những bản nhạc lính rất hay của ông, tả người con gái hiểu được trọng trách với quốc gia của người trai thời chiến nhưng vẫn không tránh được thương nhớ, bâng khuâng.
“Mỗi lần nhìn chiều rơi ngoài hiên
Nghe gió Xuân sang rung lá vàng
Là lúc tim em như rộn ràng
Thương nhớ dâng ngập tràn
Vì chờ ai chốn quan san.
Nhớ hoài một chiều hoa đào rơi
Tiễn bước anh đi về cuối trời
Giờ phút chia ly sao nghẹn lời
Dẫu biết anh vì đời
Vì quê hương đang chờ mong”
(Mộng Ước)
Ra hải ngoại, cùng với Chiều Tây Đô, bản nhạc Chuyện Buồn Ngày Xuân da diết của ông trong những ngày đầu trên xứ người là bản nhạc đã lấy rất nhiều nước mắt của những người xa nhà, xa gia đình trong trại tị nạn hay trên đất khách trong làn sóng vượt biên năm xưa, cho dù có là ngày Xuân hay không.
“Sao anh đành bỏ em để ra đi một mình
Giữa đêm Xuân lạnh lùng
Chim xa bầy còn thương tổ ấm
Huống chi người tội lắm anh ơi
Xuân năm nào có nhau mình chung ly rượu đào
Mùi quê hương thơm ngạt ngào
Nhưng bây giờ người đi kẻ nhớ
Đến bao giờ lòng hết bơ vơ…”
(Chuyện Buồn Ngày Xuân)
Bản nhạc Xuân viết theo hành khúc rộn ràng hiếm hoi của ông đã được một số trung tâm ca nhạc hải ngoại cho hát đồng ca trong vài chương trình nhạc Xuân là bản “Mùa Xuân Nào Ta Về”. Giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu nhanh nhưng rốt lại thì vẫn tâm trạng cô đơn, lạc loài, hoài nhớ quê hương.
“Mùa xuân nào là ta về
Mùa xuân nào là ta về
Về quê hương yêu dấu sống bên mẹ cha
Về sống cạnh dòng sông hiền
Về nghe giọng hò ba miền
Về thăm riêng đôi má lún sâu đồng tiền
Ngày đầu xuân trên xứ xa
Tình đồng hương thêm thiết tha
Sao vẫn nghe trong lòng mình như cay đắng
Trời mùa Xuân đây lắm hoa
Đường ngựa xe như sóng xa
Sao thế gian như còn mình ta với ta
(Mùa xuân nào là ta về)
Với Lam Phương, dường như xa quê hương thì mùa Xuân đã không còn nữa. Ông tiếc nuối mùa Xuân chim gọi gió, con đường xưa giờ đã vắng ánh trăng thề, cho dù tâm trạng này lồng vào những bản nhạc tình buồn. Hay viết cho những cuộc tình buồn. Và đó là cảm nhận mùa Xuân của ông.
Tình như treo đầu ngõ
Một sáng mùa Xuân chim gọi gió
Tình đã vội vàng bay mang vấn vương vào tháng ngày
(Mình Mất Nhau Bao Giờ)
hay
“Anh biết em hững hờ
Để rồi mùa Xuân không còn nữa.
Anh đã nghe mong chờ
Đi vào bóng tối bơ vơ.
Xa tiễn chân em về
Đường xưa vắng ánh trăng thề
Ngoài hiên gió rít lê thê
Tình ơi sao quá não nề.
(Để rồi mùa xuân không còn nữa)
Bản nhạc Xuân hiếm hoi và vui tươi, rộn ràng nhất của ông tại hải ngoại là trong số vài bản nhạc được ông sáng tác khi con tim, tình yêu rộn ràng trở lại như Bài Tango Cho Em hay Thiên Đường Ái Ân… Khi mà “giòng nhạc tình đã tắt lâu, tuôn trào ngọt ngào như giòng suối”. Nhưng cũng ít oi, ngắn ngủi và qua mau.
“Đường nào vào thiên đàng ái ân
Là đường vào nhịp thở lâng lâng
Mùa Xuân đang đi trong lời yêu mới
Có hoa vàng phủ đường mòn gót chân mềm
Lạc vào vườn Xuân tình ngất ngây.
Thả hồn vào cơn gió mê say.
Cành hoa tươi chôn sâu cành xa vút
Để muôn đời mình còn được yêu nhé em”.
(Thiên Đường Ái Ân)
Ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng thanh thoát, hoàn toàn khác hẳn giòng nhạc Lam Phương mà người thưởng ngoạn vẫn quen thuộc là bài Xuân Mộng, được ông sáng tác dưới cái tên Thương Anh. Không biết ông sử dụng cái tên này giai đoạn nào và tại sao, vì chỉ dùng cho một đôi bản nhạc, có thể từ rất trẻ.
“Xuân ơi là xuân
Nhân gian đón mừng
Niềm thương niềm nhớ
Ngày vui ngày buồn
Ai đắm say tình chung
Cố quên chuyện lòng
Cùng đón chúa xuân.
Đời đẹp như câu hát
Đời đẹp như mơ
Cùng đón gió xuân trong lời thơ”.
(Xuân Mộng)
Nhưng có thế nào, cuối cùng rồi thì mùa Xuân này nhạc sĩ Lam Phương cũng đã về với nơi ông khởi đầu. Từ giã những “Thành Phố Buồn” nơi cõi tạm này để về với một quãng đời và khung trời bình yên, yêu thương của những ngày “Trăng Thanh Bình”, “Khúc Ca Ngày Mùa” hay “Nắng Đẹp Miền Nam”… an bình, rộn ràng tươi vui.
Người nhạc sĩ không có nhiều những mùa Xuân cuối cùng đã tìm được mùa Xuân của chính mình. Bình yên và miên viễn. Chúc ông nơi miền xa ấy sẽ trọn vẹn những mùa Xuân yêu thương. Như những gì mà người thưởng ngoạn đã và sẽ còn dành cho ông.
Dallas, Xuân 2021
Nguồn: Đinh Yên Thảo @ VOA Tiếng Việt