Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 20, 2024

Vĩnh biệt bác Bùi Diễm


Cựu Đại Sứ Bùi Diễm (Hình: Trần Triết).–

Sáng sớm ngày Chủ Nhật 24 Tháng Mười 2021, điện thoại cầm tay có người gọi đến mà không thấy tên xuất hiện trên màn hình, chỉ có số vùng (202) Washington DC. Tôi alô, đầu giây bên kia tự giới thiệu là phóng viên ban Việt ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, muốn phỏng vấn tôi về tin cựu Đại sứ Bùi Diễm vừa qua đời.

Tôi sững người!

Rạng sáng hôm đó, trong lúc tìm các hình ảnh cũ để in vào cuốn KÝ 3 tôi đang viết thì thấy hai tấm hình tôi chụp ông Bùi Diễm, giáo sư Nguyễn Ngọc Linh và cựu Trung tá Nhẩy Dù Bùi Quyền ngồi uống trà tại quán Phở Nguyễn Huệ của ông Cảnh “Vịt” ở Quận Cam – Nam California. Một trong hai tấm hình là lúc ông Bùi Diễm hút thuốc lào do ông Bùi Quyền mời.

Cả ba người, giờ đây không ai còn.

Trả lời câu hỏi của VOA, tôi nói: “Cụ Bùi Diễm là người xuất thân từ đảng cách mạng Đại Việt. Sau đó cụ bắt đầu tham gia chính trường của Việt Nam với nhiều vị thế, từ bộ trưởng phủ thủ tướng cho đến đại sứ. Cụ có tấm lòng nhiệt thành của người làm cách mạng, có sự thận trọng cân nhắc của một người làm chính trị và có cách hành xử khéo léo của một nhà ngoại giao. Năm 1975 khi qua Mỹ, cụ tiếp tục là một tiếng nói đóng góp vào dòng chính để nước Mỹ hiểu chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời, cụ đi khắp nơi để trao truyền bó đuốc cách mạng cho những thế hệ trẻ về sau.”

Vừa dứt phone với VOA, tôi gọi ngay số phone nhà bác Diễm, tiếng chuông reng liên tục không ai trả lời. Ngày hôm sau, tôi gọi lần thứ ba thì cụ bà Diễm trả lời. Tôi nói: “Cháu rất đau buồn, bác ơi!” Bác gái nói: “Ông Diễm mong anh đến thăm lắm nhưng trễ rồi.”

Nghe bác gái nói, tôi thật ân hận vì cách đây hai tháng tôi có hứa với bác trai là sẽ thu xếp sang thăm bác.

Bác gái kể, đêm 23, tay chân bác trai vẫn ấm, bác trai vẫn nắm tay bác gái. Vậy mà rạng sáng, bác trai đã xuôi tay.

***

Sáng Chủ Nhật, tôi gọi Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng 2 lần, để lời nhắn mà ông không bốc máy. Tôi chợt nhớ ông nói với tôi cách đó hai ngày là ông đi Houston thăm người bạn thân Lê Văn đang hấp hối trên giường bệnh và sẽ bay về Virginia ngày Chủ Nhật.

Email gửi cho tôi, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng viết: “Ông Bùi Diễm là môt nhà ngoại giao khôn khéo. Với tư cách là một đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ rồi sau là Đai sứ lưu động, ông Diễm hiểu biết tường tận và quen thuộc với nhiều chính giới Mỹ; do đó có khả năng cung cấp cho chính phủ Việt Nam những tin tức cần thiết để hoạch định chính sách đối với Hoa Kỳ.

“Tôi chỉ biết ông sau năm 1975. Cùng với một số người khác, chúng tôi làm viêc chặt chẽ với nhau trong việc thành lập Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt ở Hoa Kỳ, sau đổi thành Nghị Hội Toàn Quốc Người Mỹ gốc Việt mà ông là Chủ tịch Hội đồng Điều hợp Trung ương đầu tiên.

Ông cũng giúp tôi rất nhiều trong viêc xây dựng Viện Nghiên Cứu Đông Dương (Indochina Institute) thuộc trường Đại học George Mason, và là một trong ba học giả cao cấp (senior scholars) của Viện. Ông đươc bổ nhiệm với sự đồng thuận của Hội đồng Khoa Chính trị học trường Đai học George Mason sau khi xuất bản cuốn In the Jaws of History. Hai người kia là Arthur J. Dommen, tác giả của Conflict in Laos: The Politics of Neutralization và Laos: Keystone of Indochina; và Frederick Z. Brown, tác giả của Second Chance: The United States and Indochina in the 1990’s và Cambodia and the International Community: The Quest for Peace, Development, and Democracy.

“Trong ba người ấy, Bùi Diễm là người cuối cùng ra đi. Fred Brown mất trước đó một tháng. Arthur Dommen mất cách đây 16 năm.

“Đối với tôi, cựu Đại sứ Bùi Diễm là một người bạn vong niên thân tình và một cộng sự viên đắc lực. Ông là người điềm đạm, hiểu biết, có tư cách, và cư xử lịch thiệp.”

***

Trong mối liên hệ không dính dáng đến chính trị, diễn viên Kiều Chinh hồi tưởng lần gặp cụ Bùi Diễm đầu tiên.

“Cuối năm 1956, thời điểm nhóm làm phim The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng) sang Việt Nam tìm người đóng, họ mời tôi thủ một vai trong phim nhưng bố mẹ chồng không cho. Vì nếu nhận lời, tôi sẽ đóng vai cô gái Việt Nam tên Phương, sống với một người đàn ông Anh, rồi sau đó yêu một người Mỹ.

“Dù tôi đã từ chối, đoàn làm phim vẫn mời xuất hiện thật ngắn, không nói lời nào, trong vai một thiếu nữ đi ngang qua đường phố gần Chùa Tàu ở Chợ Lớn.

“Đó là thời điểm tôi gặp anh Bùi Diễm lần đầu tiên. Anh Diễm lúc bấy giờ là giám đốc Hãng Phim Tân Việt (làm cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống, hợp tác với Phi Luật Tân) phụ giúp nhóm làm phim Người Mỹ Trầm Lặng quay phim tại Sài Gòn.

Một năm sau, 1957, Hãng Tân Việt quay cuốn phim Hồi Chuông Thiên Mụ của đạo diễn Lê Dân, anh Diễm là nhà sản xuất, mời tôi đóng vai ni cô Như Ngọc.”

Nhớ lại giai đoạn đó, nghệ sĩ Kiều Chinh nói, “lúc anh Diễm tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị thì tôi ít gặp anh, mãi tới lúc sang Mỹ sau 1975, mỗi lần anh Diễm từ Maryland đến Quận Cam, hai anh em mới lại có dịp gặp nhau và khi nào đi sang Miền Đông tôi cũng thăm anh chị Diễm.

“Biết anh đã yếu có thể đi bất cứ lúc nào nhưng vẫn sửng sốt khi nghe tin anh mất. Những người mà tôi xem là các ông anh là nhà văn Mai Thảo, cựu Trung tá Vũ Quang Ninh, nhà báo Lê Lai, đã lần lượt ra đi, nay đến anh Bùi Diễm, mất mát nhiều quá.”

***

Từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, kỹ sư đã về hưu, người sáng lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, viết email cho tôi vào lúc nửa đêm Chủ Nhật.

Ông Kiểng viết: “Tôi gặp ông Bùi Diễm lần đầu năm 1968 tại phi trường Orly Paris năm 1968, hình như là ngày 10 tháng Năm.

“Ông từ Washington tới Paris với tư cách ‘quan sát viên của Việt Nam Cộng Hòa’ tại Hòa Đàm Paris bắt đầu trước đó một tháng, mới đầu chỉ mở ra giữa Mỹ và Bắc Việt. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng như Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam chỉ được tham gia với tư cách quan sát viên.

“Tối hôm trước, vào gần nửa đêm, ông Nguyễn Đình Hưng, cố vấn Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp, bất ngờ gọi điện thoại cho tôi cho biết chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã chấp nhận tham gia hòa đàm và sáng sớm mai ông Bùi Diễm, lúc đó đang là đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, sẽ đến Paris với tư cách quan sát viên. Việc Việt Nam Cộng Hòa chấp nhận tham gia, dù chỉ với tư cách quan sát viên, là một quyết định đau nhức và bẽ bàng. Sau khi cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân nổ ra, tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã đơn phương lấy quyết định thương thuyết với Bắc Việt để chấm dứt chiến tranh và Việt Nam Cộng Hòa chỉ được tham gia với tư cách quan sát viên nếu muốn. Trước đó phái đoàn Bắc Việt do Xuân Thủy cầm đầu tới Paris đã được phe cộng sản tại đây tổ chức tiếp đón rất tưng bừng. Vào lúc đó tôi không còn là chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris nữa nhưng mọi người đều biết trên thực tế tôi vẫn là người lãnh đạo tổ chức này.

“Hôm đó tại nhà tôi có bốn anh em. Chúng tôi lập tức gọi điện thoại cho một số người rồi phân công nhau giữa đêm đến các cư xá sinh viên đánh thức họ dậy, rủ họ ra đón đại diện Việt Nam Cộng Hòa tại phi trường. Dù gấp rút chúng tôi cũng đã tập hợp được khoảng 100 người.

“Rõ ràng là ông Bùi Diễm không ngờ được tiếp đón như vậy. Ông tới một mình, khoác chiếc áo mưa màu vàng nhạt và giật mình khi thấy một số đông người đón tiếp. Nếu không có các nhân viên ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa chắc ông có thể nghĩ chúng tôi tới để gây sự với ông. Tôi ứng khẩu một bài diễn văn tiếp đón và ông Bùi Diễm cũng ứng khẩu một bài đáp từ. Mối liên hệ giữa chúng tôi bắt đầu từ đó. Ông Bùi Diễm dành cho tôi một cảm tình đặc biệt. Trong suốt thời gian cầm đầu phái đoàn quan sát, ông gặp tôi thường xuyên. Sau này khi làm cố vấn cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong hòa đàm Paris đợt hai, ông đều gọi tôi để gặp nhau mỗi lần ông tới Paris.

“Sau 1975 mỗi khi tới D.C. tôi thường thu xếp thời gian để gặp ông. Kỷ niệm vui nhất là năm 1990, ông đi nghe tôi nói chuyện tại D.C. rồi sau đó còn theo một số bạn bè về nhà giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ăn cơm tối và nói chuyện tiếp. Trong lúc thảo luận ông không ngồi như mọi người mà nằm dài trên sàn nhà một cách thỏa mái. Tôi cũng ngồi xuống sàn nhà cạnh ông. Thỉnh thoảng ông nắm tay tôi.

“Ông Bùi Diễm coi tôi như em út và tôi cũng coi ông như anh cả. Ông là một trong hai nhân vật mà tôi kính trọng và đánh giá cao nhất trong phe quốc gia trong suốt cuộc xung đột Quốc – Cộng.

“Xin chúc ông yên nghỉ.”

***

Tại California, nhà báo Đỗ Quý Toàn gửi email cho tôi và mở đầu bằng câu: “Tưởng Nhớ Nhà Nho Bùi Diễm.”

Ông Toàn viết: “Đại sứ Bùi Diễm lên Montréal thăm bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng trong thập niên 1980, nhờ thế tôi được gặp cụ lần đầu.

“Chúng tôi mời cụ Bùi Diễm lên thăm Làng Cây Phong, một nơi các Phật tử thường về để tập lối sống trong tỉnh thức. Bác sĩ Hồng là một đàn anh rất thân với chúng tôi vì đã cùng hoạt động trong Hội Hướng Đạo Việt Nam trước 1975 và cùng tổ chức Làng Cây Phong ở Québec, Canada. Cụ Bùi Diễm lúc nào cũng sống trong tỉnh thức, vì cụ đã thấm nhuần nền giáo dục Nho Giáo. Nhìn phong cách một người, chúng ta có thể thấy nền nếp Nho Phong, ‘Cư Kính nhi Hành Giản,’ thân mật, giản dị mà không suồng sã, cẩn trọng từng lời nói từng cử chỉ.

“Cụ Bùi Diễm, Bác sĩ Hồng, Tướng Phạm Quang Chiểu là ba trong bốn người bạn ở cùng một phòng trong Học Xá Đại học Hà Nội, thời 1940. Khi gặp ba vị đàn anh này, tôi mường tượng ra hình ảnh các nhà Nho thời trước. Tình bạn của họ được giữ gìn nửa thế kỷ, không khác gì tình bạn trong những câu thơ ‘Mến yêu từ trước đến sau – Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên giời’ trong bài thơ khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. Người thứ tư ở trong căn phòng học xá đó sống ở Hà Nội, sau đã có dịp qua Bắc Mỹ thăm ba người bạn đã di cư vào Nam.

“Một lần viết về bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, tôi có nhắc tới ‘bản dịch trác tuyệt của Bùi Kỷ’ in trong sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Tôi dùng chữ ‘trác tuyệt’ chỉ vì bài dịch này phải nói là ‘trác tuyệt.’ Không ngờ, mấy ngày sau tôi nhận được thư của đại sứ Bùi Diễm, chỉ để cảm ơn về nhận xét trên.

“Một người con ở tuổi 90 mà nghe ai khen ngợi một bài văn của người thân sinh mình bèn viết thư bày tỏ cảm ơn, đó cũng là một hành động bây giờ rất hiếm thấy người còn giữ. Lối sống trước sau như một, không vì một việc thiện nhỏ mà không làm, việc ác nhỏ mà không tránh, điều độ, thận trọng, nghiêm với mình nhưng rộng lượng với người, đó là hình ảnh của các bậc cha chú, của các anh tôi mà tôi còn nhớ được. Mẹ tôi vẫn kể rằng khi còn sống thầy tôi bao giờ cũng gọi các con là “anh” hay “chị,” đó cũng là lối sống kính cẩn và giản dị, ‘cư kính nhi hành giản.’

“Mấy bữa trước, tôi mới đọc lại cuốn ‘Bắc Ninh Dư Địa Chí’ của Đỗ Trọng Vĩ, do Đỗ Tuấn Anh dịch, xuất bản năm 1997. Sau trang số 108 có bức hình một bức ‘cuốn thư’ sơn son thếp vàng, là những lời chúc mừng khi cụ Đỗ Trọng Vĩ bỏ quan ‘về chí sĩ’ năm 1898. Những vị đứng tên trong bài chúc mừng ông nội tôi là các bạn đồng khoa, Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến; cụ Nghè Vân Đình Dương Khuê; Phó Bảng Dương Danh Lập xã Khắc Niệm là thông gia với ông nội tôi; và Phó Bảng Bùi Văn Quế, thường gọi là Cụ Nghè Châu Cầu Châu Cầu. Cụ Bùi Văn Quế sinh năm 1837, kém cụ Đỗ Trọng Vĩ 8 tuổi mà đậu cử nhân cùng một khoa thi. Cháu nội cụ, nhà văn Bùi Kỷ sinh năm 1888, sau thân phụ tôi 13 năm.

“Tôi vẫn tính sẽ kể cụ Bùi Diễm nghe mối quan hệ giữa cụ Bùi Văn Quế với cụ Đỗ Trọng Vĩ, ông nội tôi, nay xin ghi lại để tưởng nhớ người đàn anh quá cố và cầu nguyện hương linh sớm vượt thoát nẻo luân hồi.”

***

Sáng Thứ Hai 25 Tháng 10, Miền Nam California trời mưa rả rich, Nhà văn Phạm Xuân Đài đến nhà sách Tự Lực tìm tôi để nhận lại cuốn Gng Kìm Lch S của cụ Bùi Diễm mà tôi giữ của ông bấy lâu nay.

Tôi hỏi tác giả “Hà Nội Trong Mắt Tôi”, ông nghĩ gì về cụ Bùi Diễm và tác phẩm Gọng Kìm Lịch Sử. Phạm Xuân Đài nói, ông có viết một bài điểm sách khi Gọng Kìm Lịch Sử vừa được xuất bản hồi 2000.

Xin trích đoạn trong bài viết của Phạm Xuân Đài với tựa đề “Đọc ‘Gọng Kìm Lịch Sử’ của Bùi Diễm”:

“Gọng Kìm Lịch Sử đích thực là hồi ký của một chính trị gia, đứng trong phía quốc gia.

“Gng Kìm Lch S chính là lch s ca mt người quc gia trưởng thành vào đúng thi đim gay go nht m màn cho s đng đ quc gia – cng sn, và b cun theo sut ba mươi năm, luôn luô nhng v thế thun li đ có th tham gia vào nhng hot đng cao cp và t đó có th có mt cái nhìn tng th.

“Đó là mt con ngườưu tú và cũng rt nhiu may mđ có th sng trn vn trong tng giai đon, hođng hết mình, gìn gi đđ tài liu, đ khi k li các hođng chính tr cđi mình thì nhng trang hi ký y có th xem là đc trưng cho cuđi tranh đu ca mt con người quc gia, hoc mt phn cphe quc gia.’

“Vì là hi ký ca mt cá nhân, tác gi luôn luôn là mnhân vt’ trong đó, nhưng không phi là mt nhân vt trung tâm, đó là điu d chu nht cho ngườđc khi theo dõi mt cun hi ký loi này. Qua chuyn k ca mình tác gi giúp chúng ta hiu rõ v tình hình mt giai đon, v nhng biến c hay nhân vt, vi mt li trình bày thđáo và mt văn phong thành thc, trong sáng.”

***

Cuối năm 1984, từ đảo tỵ nạn Galang, tôi “chân ướt chân ráo” đến Mỹ định cư tại Virginia. Chưa được một tháng, hưởng mùa tuyết rơi đầu tiên trong đời, tôi dọn sang miền Nam California kiếm sống bằng nghề đánh cá tại Cảng San Pedro. Một trong hai người chủ tàu là anh Nguyễn Văn Cường, người bạn cũ thời trước 1975 ở Sài Gòn và lúc bấy giờ là tổng thư ký Phong Trào Thanh Niên Cách Mạng Dân Tộc Việt. Mọi liên lạc lúc đó đều dùng số phone nhà của anh Cường.

Một lần, sau ba tuần lênh đênh sóng nước quay về bến với cá đầy khoang, anh Cường đón tôi, nói, ông Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia gọi nhắn tôi gọi lại gấp cho ông.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từng du học Mỹ nhiều năm, ông về Việt Nam khoảng 1970 và giữ chức Cục Trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Tôi được hân hạnh quen biết và sau trở nên thân tình với ông Bích từ năm tôi 18 tuổi.

Giáo sư Bích nói qua phone, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt sắp họp và ông muốn mời tôi về nhận “bó đuốc cách mạng” do thế hệ đi trước trao lại. Tôi hỏi, ai sẽ trao bó đuốc cho thế hệ chúng tôi. Ông Bích trả lời: “Ông cựu Đại sứ Bùi Diễm.” Không hiểu tại sao lúc đó tôi buột miệng nói: “Vậy em sẽ không tham dự vì thế hệ ông Diễm chẳng có gì hay ho để trao bó đuốc cách mạng cho bọn em.”

Mãi tới nay, tôi vẫn vô cùng ân hận vì đã buông ra một câu xấc xược như thế với cụ Bùi Diễm và những người thuộc thế hệ cụ.

Sau này nhìn lại ngày tháng đó, tôi hiểu tại sao mình hỗn láo như vậy: Chỉ vì cá nhân tôi – và tôi tin là nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi – ít hiểu biết về những đóng góp của thế hệ cha chú trong công cuộc mưu tìm độc lập, hạnh phúc, ấm no cho con người và đất nước Việt Nam suốt thế kỷ qua.

Cụ Bùi Diễm đã mở mắt cho tôi.

Một bữa cơm tại nhà Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng năm 1990, tôi được gặp cụ Bùi Diễm.

Trong lúc tôi ngồi một góc hóng chuyện của các vị khách của giáo sư Hùng, thì một ông tiến tới, giọng từ tốn, nói: “Tôi là người mà anh nói với anh Bích là chẳng có gì hay ho để trao cho thế hệ các anh đây.”

Tôi đứng dậy, “Thưa bác Bùi Diễm phải không ạ?”

Suốt hơn một tiếng đồng hồ, bác Diễm nói và trả lời những thắc mắc của tôi về các đảng cách mạng Quốc Gia mà bác biết, và chính bác tham gia.

Mối thâm tình của bác Diễm dành cho tôi kể từ đêm đó. Tôi hiểu về bác và thế hệ của bác nhiều hơn khi bác tặng tôi cuốn Gọng Kìm Lịch Sử của bác, với lời bác dặn “chịu khó đọc để biết thế hệ của tôi cũng chịu biết bao thăng trầm với vận nước.”

Cựu Đại sứ Bùi Diễm, Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh và cựu Trung tá Nhẩy dù Bùi Quyền tại quán Phở Nguyễn Huệ của ông Cảnh “Vịt”, Quận Cam, California. (Hình: Đinh Quang Anh Thái chụp năm 2016)

Bác Diễm lúc nào cũng từ tốn, khoan hòa, hầu như không có “góc cạnh” nào khiến cho người đối diện phải dè dặt, giữ kẽ. Trong cách đối xử, bác ân cần đến từng chi tiết nhỏ, có thể do ảnh hưởng từ những năm tháng làm đại sứ. Mỗi lần tôi điện thoại thăm bác, câu đầu tiên sau khi “á lô” thật to, lúc nào bác cũng hỏi “hai cô công chúa của anh sao rồi.” Thường thì bác thân tình gọi tôi theo cách gọi dân dã của người Bắc là “anh cu Thái.” Mỗi khi bác về Quận Cam, thể nào bác cũng “ới” tôi đi ăn cơm với bác và một trong những quán hai bác cháu đến ăn khá thường là Phở Nguyễn Huệ của ông Cảnh. Ông chủ quán còn có biệt danh là Cảnh “Vịt” vì thời “khai thiên lập địa” của cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam, ông là người đầu tiên bán món thịt vịt và tiết canh cho đồng bào xa xứ. Tấm hình bác Diễm và ông Cảnh chụp chung vẫn được treo trên vách tiệm phở cho tới lúc ông Cảnh sang tiệm cho người khác.

Cựu Đại sứ Bùi Diễm hút thuốc lào, ngồi cạnh là Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh tại quán Phở Nguyễn Huệ của ông Cảnh “Vịt” Quận Cam, California. (Hình: Đinh Quang Anh Thái chụp năm 2016)

Giai đoạn tôi làm cho báo Người Việt, tờ báo lúc bấy giờ bị một số người trong cộng đồng chống đối kịch liệt vì họ cho rằng nhóm lãnh đạo tờ báo có lập trường thân cộng sản. Và trong đám đông vài chục người vẫn cầm biểu ngữ đứng trước tòa soạn để phản đối tờ báo, có một vài người cựu quân nhân.

Một buổi trưa, từ phi trường Los Angeles, bác Diễm gọi cho tôi, nói “tôi vừa ra khỏi máy bay và có mấy anh em quân đội đón, chúng tôi sẽ đến tòa soạn rủ Thái đi ăn nhé.”

Trong bữa cơm, bác giới thiệu tôi với các đồng chí trong Đảng Đại Việt của bác và chủ ý cho mấy vị cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa thấy “anh cu Thái” này không thể là người “thân cộng” và tờ báo “anh cu Thái” đang làm không thể là cộng sản.

Ông Lê Văn Thái và ông Đinh Thạch Bích gọi bác Bùi Diễm là “bú dù.” Ông Thái có biệt danh là “Thái Trắng” từng là cố vấn của Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Ông Bích có biệt danh là “Tướng Núi” vì thời thanh niên nằm gai nếm mật trong phong trào kháng chiến Trình Minh Thế ở Núi Bà Đen.

Trong một bữa cơm tại nhà ông Thái Trắng ở San Diego, có các ông “Tướng Núi”, ông Chu Tử Kỳ và ông Lê Hưng – hai người đồng sáng lập và lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng Chủ Lực -, ông Thái hỏi tôi: “Bú Dù mới gặp anh có chuyện gì vậy?” Tôi nói: “Dạ bác Diễm lần nào từ Maryland về thăm con gái ở Quận Cam đều gọi em đi ăn, nói đủ thứ chuyện, không có gì đặc biệt đâu ạ!”

Tôi hỏi lại ông Thái Trắng, sao anh hỏi vậy ạ? Ông bảo, “Bú Dù” làm cho Mỹ, ít khi nào tốn thì giờ nói chuyện viễn vông. Tôi biết ông Thái nghĩ rằng tôi “âm mưu” gì đó với cụ Diễm mà không muốn cho ông biết.

Trong mắt ông Trịnh Đình Thắng, bác Bùi Diễm là một nhà cách mạng có tấm lòng chan hòa vượt qua ranh giới đảng phái. Ông Thắng là cán bộ Duy Dân, thủa thanh niên thoát ly gia đình làm cách mạng. Năm 1975 lúc di tản sang Mỹ, ông có công vận động, gây dựng và được anh em tín nhiệm là Bí Thư Trưởng Phong Trào Thanh Niên Cách Mạng Dân Tộc Việt.

Có lần, ngồi tại nhà ông Thắng, ông nhớ lại những lần gặp bác Bùi Diễm: “Ông Diễm với tôi khác đảng nhưng ông rất thân thiện với những người làm cách mạng thuộc đảng khác.”

Hôm bác Diễm mất, tôi gọi điện thoại báo tin cho ông Thắng, ông nói, “thật đáng tiếc vì ông Bùi Diễm là thế hệ đàn anh cuối cùng của những người làm cách mạng có lập trường dân tộc.”

Với nhà báo lão thành Như Phong Lê Văn Tiến, ông thường nêu đức tính nhu hòa của bác Bùi Diễm để dạy tôi cách ứng xử, vì trong mắt ông Như Phong, tôi là “một con ngựa non háu đá.” Một lần trong phòng giam khu BC trại tù Chí Hòa năm 1979, ông Như Phong nói, lúc nào tôi cũng sừng sộ nên khó thành công. Ông bảo: “Mai sau thoát được ra ngoại quốc, tìm ông Bùi Diễm mà học cách ứng xử.”

Những năm được bác Bùi Diễm xem như con cháu, tôi có nhận xét cách hành xử của bác khá giống với cách của Bố Già Vito Corleone trong chuyện “The Godfather” của tác giả Mario Puzo. Trong truyện, Bố Già dạy người con trai thứ Michael rằng, “con phải học cách từ chối sao cho người đối diện có cảm tưởng là con gật đầu đồng ý.”

Tuy nhiên, cũng đã có lần vì người đối diện không nhận được tín hiệu “lắc đầu” của bác Diễm nên họ đinh ninh bác “gật đầu” khi bác nhận định về một người đồng chí hướng với bác, dẫn tới hậu quả là có sự ngộ nhận rằng người đó không còn giữ được lập trường dân tộc khi về Việt Nam làm việc với tư cách của Bộ Ngoại Giao Mỹ.

***

Riêng với hiền thê của bác Bùi Diễm, bác gái là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam “việc nước việc nhà vẹn toàn, nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên.”

Nhiều lần tôi được bác gái cho ăn cơm, bác luôn nhắc, tôi mời thêm bao nhiêu người thì cho bác biết trước, vì món bún riêu bác nấu “phải vừa đủ cho bấy nhiêu người, không thiếu, không thừa.” Nhìn bác múc chén bún riêu bốc khói thơm lừng, vừa gọn trong cái chén nhỏ, mới hiểu tại sao bác dặn dò kỹ như vậy.

Có lần hỏi bác gái, cả đời bác trai dấn thân cho đất nước, bác gái có đóng góp hay ảnh hưởng gì không, bác gái bảo “ông nhà tôi có việc của ông nhà tôi, còn tôi chỉ làm công việc nội trợ thôi”.

“Làm công việc nội trợ” như bác gái không phải ai cũng làm được.

Ngôi nhà bác Diễm ở Maryland, đất rộng trên hai mẫu, có vài lần tôi ngồi ngoài vườn phì phèo điếu xì gà bác cho, thấy đàn nai lững thững vào sân. Khung cảnh im ắng, tôi chợt nghĩ nơi đây quả là thích hợp với một người như bác Diễm: bước vào đời là người của nhân quần xã hội, lui về là với thiên nhiên hòa.

Mỗi khi chia tay bác tại căn nhà này, tôi lại học được nơi bác cách ứng xử lịch lãm: lúc nào bác cũng đợi tôi lên xe rồ máy đi rồi mới quay lưng vào nhà. Chả bù với nhiều người có học vị, khách chưa khuất mắt đã quay đít đóng sầm cửa.

Hôm ông Bùi Quyền mất Tháng Sáu 2020, tôi điện thoại thăm bác Diễm và kể bác nghe là “cháu có hẹn ông Quyền đến thăm ông và viết một bài về những tháng ngày chinh chiến oai hùng của ông, chưa kịp thực hiện thì ông mất rồi.”

Bác Diễm nói “Quyền chết trẻ quá!” Nghe bác nói, tôi không kềm được, cười to nói, “Bác ơi, bác gần trăm tuổi nên bác nói vậy, chứ ông Quyền mất năm 85 tuổi bác ạ.” Bác bảo: “Ừ nhỉ, tôi quên mất, cu Quyền lớn thế rồi.”

Ông Bùi Quyền là em họ bác Diễm. Ông tốt nghiệp khóa 16 Trường Võ Bị Đà Lạt, từng là trung tá Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù và được ca ngợi là đánh trận luôn luôn thắng. Có lần, ngồi hầu rượu ông, vị sĩ quan từng có một thời trẻ lẫy lừng này nói, có những trận đánh, tình báo Việt Cộng biết có lữ đoàn Dù do ông chỉ huy, họ biết trận đó sẽ chết nhiều.

Bác Bùi Diễm ơi, cháu viết những dòng này như một nén hương thành kính tưởng nhớ bác.

Bác ơi, kể từ nay cháu không còn được nghe giọng bác “á lô” thật to nữa rồi!

Nguồn: Đinh Quang Anh Thái @ VOA Tiếng Việt

Tags:

Click to listen highlighted text!