Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

October 31, 2024

Xung đột Biển Đông giữa các nước Đông Nam Á làm suy yếu các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc


Cuộc xung đột nội bộ Myanmar cùng với sự kiện tàu Trung Quốc bao vây Đá Ba Đầu gần đây là những vấn đề nhắc nhở về vai trò mờ nhạt của ASEAN trước các vấn đề của khu vực.

Đã nhiều năm, ASEAN hy vọng có thể cùng với Trung Quốc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). COC được kỳ vọng như một công cụ để ngăn chặn các xung đột tiềm tàng tại khu vực biển Đông. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chưa thực sự muốn ký kết văn bản này, hoặc chí ít, Trung Quốc chỉ ký kết sau khi đã chiếm thêm nhiều thực thể khác, tạo sự đã rồi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei đều là bên bị tranh chấp chủ quyền với cái gọi là “yêu sách Đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Dù không có tranh chấp chủ quyền, nhưng Indonesia cũng bị liên quan bởi vùng biển Natuna của họ cũng bị Trung Quốc “nhận vơ” thuộc “đường 9 đoạn”. Indonesia thời gian qua đã phải đối đầu với các cuộc xâm nhập bất hợp pháp của các tàu cá Trung Quốc vào vùng biển Natuna này.

Nhiều năm qua, các nước Đông Nam Á có tranh chấp trên Biển Đông đã phải đối mặt với chỉ trích về cách tiếp cận để thúc đẩy các vụ việc tương ứng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng xung đột nội bộ giữa các nước Đông Nam Á có tranh chấp làm suy yếu các cuộc đàm phán với Bắc Kinh. Hiện tại, 4 quốc gia ASEAN cùng có các yêu sách chồng lấn với nhau tại khu vực biển Đông. Sự kiện Đá Ba Đầu không chỉ là tâm điểm trong tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, mà Đá Ba Đầu cũng là thực thể nằm trong các yêu sách chồng lấn giữa Philippines và Việt Nam. Tuyên bố của chính quyền Philippines khẳng định Đá Ba Đầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, thế nhưng chính quyền Việt Nam lại khẳng định Đá Ba Đầu thuộc lãnh hải của Sinh Tồn Đông, do đó nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính các tranh chấp giữa các nước ASEAN như trên đã dẫn đến điều mà các chuyên gia gọi là “bất đồng nội bộ” giữa các nước, do đó, chuyển hướng nỗ lực và nguồn lực về các tranh cãi giữa các quốc gia ASEAN như xung đột về đánh bắt cá trái phép, do đó, làm suy yếu vai trò của ASEAN trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

AP21105442200892.jpg
Tuần duyên Philippines theo dõi các tàu dân quân biển của Trung Quốc ở đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa hôm 14/4/2021. AP

Tuy nhiên, các thỏa thuận hợp tác gần đây về thăm dò dầu khí và an ninh hàng hải trên Biển Đông cho thấy rằng các nước láng giềng ASEAN có thể giải quyết bất đồng.

Truyền thông Malaysia dẫn lời Tổng Giám đốc Mohd Zubil Mat Som của cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia ngày 5/4 cho biết biên bản ghi nhớ giữa Kuala Lumpur và Hà Nội sẽ được ký kết trong năm 2021 nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Thỏa thuận này cho thấy quan hệ hai nước trở nên nồng ấm hơn sau khi rạn nứt vào tháng 8/2020 khi một ngư dân Việt Nam bị bắn chết sau khi lực lượng tuần duyên của Malaysia tìm cách kiểm tra hai tàu của Việt Nam được cho là đang đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Malaysia. Khi đó, các quan chức Malaysia cho rằng các thành viên thủy thủ đoàn trên hai tàu này đã có hành động gây hấn và ném bom dầu diesel nhằm vào phía Malaysia.

Ông Mohd Zubil cho rằng thỏa thuận mới giữa cơ quan hàng hải của hai nước sẽ “giải quyết vấn đề ngư dân Việt Nam xâm lấn, đặc biệt là ở vùng biển phía Đông”.

Một số nhà quan sát khu vực cho rằng các kế hoạch về thỏa thuận hàng hải giữa Malaysia và Việt Nam đem lại tín hiệu lạc quan rằng các nước nhỏ đã sẵn sàng gác lại bất đồng vụn vặt để đối đầu với những hành động quyết đoán do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn trong vùng biển này.

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng quan hệ hợp tác tăng cường giữa Malaysia và Việt Nam và một nghị quyết riêng rẽ giữa Malaysia và Brunei nhằm phát triển chung các mỏ dầu và khí đốt trên biên giới biển hai nước là minh chứng cho thấy các nước Đông Nam Á đang nỗ lực nghiêm túc khép lại các khác biệt.

Chuyên gia Murray Hiebert thuộc hãng tư vấn BowerGroupAsia và là một nhà quan sát kỳ cựu ở Đông Nam Á cho rằng diễn biến này rất đáng được hoan nghênh dù Malaysia và Việt Nam còn tồn tại “những vấn đề khác” cần giải quyết ở Biển Đông, gồm cả các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Năm 2019, Malaysia đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc nhằm mở rộng thềm lục địa ở phần phía Bắc vùng biển nước này, đây là khu vực bao gồm các vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Năm 2009, Việt Nam và Malaysia cùng đệ trình chung đối với phần phía Nam của Biển Đông. Dù vậy, ông Hiebert cho rằng thỏa thuận sắp được ký kết là một khởi đầu tốt: “Sẽ rất hữu ích trong các thỏa thuận với Trung Quốc nếu các bên tranh chấp ở Đông Nam Á có thể giải quyết các tranh chấp chủ quyền nội bộ như một hình mẫu về cách thức các nước này có thể giải quyết các yêu sách chồng chéo với Bắc Kinh”.https://www.youtube.com/embed/hDCBQbTL8Y0

Chuyên gia Hiebert, người cũng là cộng sự cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng, “chính sách ngoại im lặng” của Malaysia khi tàu tuần duyên Trung Quốc quấy rối tàu thuyền Việt Nam trong những năm gần đây không giúp ích gì cho các quốc gia nhỏ. Ông nhấn mạnh: “Trong năm 2019 và 2020, lực lượng tuần duyên Trung Quốc và các tàu dân quân biển đã quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi Việt Nam và Malaysia. Việt Nam lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc, trong khi Malaysia im lặng một cách đáng kinh ngạc. Nếu cả hai quốc gia có thể tìm được tiếng nói chung trong việc chỉ trích hành vi quyết đoán của Bắc Kinh, thì kết quả có thể hiệu quả hơn ”.

Ivy Kwek, Giám đốc tổ chức Nghiên cứu vì sự tiến bộ xã hội, lưu ý đã có những trường hợp hợp tác hàng hải giữa các nước Đông Nam Á, ví dụ như Thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Indonesia, Malaysia và Philippines – nhằm tăng cường an ninh ở Biển Sulu – và Tuần tra eo biển Malacca do Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan cùng thực hiện.

Kwek, một cựu trợ lý chính trị tại Bộ Quốc phòng Malaysia, cho biết các cơ chế này có thể được tăng cường hơn nữa để giải quyết các vấn đề như đánh bắt cá bất hợp pháp, nguyên nhân chính gây mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp ở Đông Nam Á.

Theo bà Kwek, một số yếu tố tranh chấp giữa các nước Đông Nam Á cũng có thể giải quyết trong nội bộ – không có sự tham gia của Trung Quốc – sử dụng các cơ chế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là Bắc Kinh đang tìm cách chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề biển Đông bằng cách ưu tiên giải quyết tranh chấp song phương với mỗi bên tranh chấp ở Đông Nam Á.

Oh Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề quốc tế Singapore, nhận định “một số” quốc gia có tuyên bố chủ quyền hy vọng sẽ thấy một lập trường “toàn khối” hơn giữa họ với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Rất khó để xây dựng một mặt trận thống nhất như vậy vì Trung Quốc thích giải quyết song phương với từng bên và sẽ chỉ giải quyết riêng lẻ với từng bên trong các vấn đề tranh chấp”.

Tuy nhiên, “thỏa thuận hợp nhất” của Brunei và Malaysia vào đầu tháng 4 này về việc cùng phát triển mỏ Gumusut-Kakap và Geronggong-Jagus East cho thấy các nước láng giềng nhỏ hơn hoàn toàn có thể giải quyết những khác biệt. Thỏa thuận được chính thức hóa trong chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tới Brunei. Hai nước sau đó cho biết thỏa thuận đã tạo “động lực tích cực cho hợp tác dầu khí giữa cả hai nước”. Chuyên gia Oh Ei Sun cho biết Brunei và Malaysia có thể sử dụng kiểu hợp tác này để giải quyết những khác biệt khác: “Nếu các cuộc đàm phán như vậy không thể đạt được đồng thuận, hai nước cũng có thể đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế để phân xử”.

Mới đây, Antonio Carpio – Cựu thẩm phán Toà án tối cao Philippines, đồng thời cũng là nhân vật quan trọng cho vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Toà Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS kêu gọi 3 nước Malaysia, Việt Nam và Philippines có thể giải quyết các bất đồng trong các yêu sách về chủ quyền trên biển Đông trước Toà án Công lý Quốc tế. Ông Carpio cũng lưu ý về việc Trung Quốc qua sự kiện Đá Ba Đầu, đang thực hiện chiến lược lát cắt salami, dần dần làm thay đổi nguyên trạng biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. “Vì vậy, chúng ta phải giải quyết vấn đề này, để dồn sức chống lại Trung Quốc mà không gây xung đột với các nước láng giềng Malaysia và Việt Nam, bởi vì họ cũng có yêu sách lãnh thổ (ở Trường Sa trên Biển Đông)”, ông Carpio nói.

Có lẽ, đây là thời điểm thích hợp để các nước ASEAN trực tiếp liên quan đến tranh chấp biển Đông cần ngồi lại với nhau để tìm hướng đi thích hợp để đối phó với Trung Quốc.

Nguồn: Trần Nguyễn Xuân Quyên@RFA

Tags: , ,

Click to listen highlighted text!